Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra hôm 7/3 ở thủ đô Brussels (Bỉ), châu Âu một lần nữa bị chia rẽ trước kế hoạch đóng cửa tuyến đường Balkan để ngăn chặn dòng người di cư kéo tới Hy Lạp.
Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp này nhằm mục đích tìm kiếm giải pháp giúp châu Âu đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng di cư cũng như những kết luận cuối cùng về việc đóng cửa tuyến đường Balkan mà hơn 850.000 người di cư đã đi qua để tới Bắc Âu hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, Đức vẫn dè dặt trong quyết định này và Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh điều quan trọng là EU cần tìm ra một giải pháp bền vững với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hội nghị muốn đạt được sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo châu Âu để đóng cửa hoàn toàn tuyến đường Balkan khi một số quốc gia châu Âu đã đơn phương đóng cửa biên giới để hạn chế dòng người di cư kéo tới, khiến hơn 30.000 người hiện đang bị mắc kẹt tại Hy Lạp và phải sống trong những điều kiện tồi tệ.
Trong khi đó, những tháng gần đây, Thủ tướng Đức đã đưa ra chính sách mở cửa đối với người tị nạn, nhấn mạnh tới sự cần thiết đóng cửa biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ và một giải pháp phối hợp chung của châu Âu.
Theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, điều quan trọng hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp nhận toàn bộ người tị nạn không phải dân Syria. Ông nhấn mạnh châu Âu mong rằng không có làn sóng người tị nạn Syria kéo vào từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Hội nghị khẩn cấp trên đã diễn ra trong sự xích mích mới giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ khi EU lo ngại việc Ankara đàn áp báo chí chống lại Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan. Cuộc khủng hoảng di cư đã gây ra những chia rẽ ngay trong lòng châu Âu, đe dọa sự tồn tại của nó cũng như những thành quả mang tính biểu tượng nhất như việc tự do đi lại trong khu vực miễn thị thực Schengen.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đặt ra lộ trình khôi phục khối này bằng cách yêu cầu 8 quốc gia đang áp dụng việc kiểm soát biên giới phải chấm dứt động thái này từ nay tới cuối năm. Thế nhưng, để làm được điều này thì phải dừng được làn sóng người di cư đổ về châu Âu, tất cả người di cư vì lí do kinh tế phải được gửi trả lại nơi đến là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia này sau đó sẽ tiếp tục "hồi hương" những người này về quốc gia gốc theo một thỏa thuận tái tiếp nhận, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/6 tới.
Bên cạnh đó, châu Âu cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường cuộc chiến chống bọn buôn người với sự hỗ trợ từ các tàu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên biển Aegean.
Song EU cần phải giữ cam kết của 28 thành viên nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng như lời Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nêu rõ đây không phải là vấn đề của riêng một quốc gia mà là của toàn châu Âu, do đó cần phải có một giải pháp tập thể./.