Châu Âu "ngạt thở" trong khói vì người dân đốt than sưởi ấm

Hàng loạt quốc gia ở châu Âu ngày 24/1 đã phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đang bao trùm phần lớn "Lục địa già."
Châu Âu "ngạt thở" trong khói vì người dân đốt than sưởi ấm ảnh 1Đốt lửa sưởi ấm gây ra khói mù nghiêm trọng tại châu Âu. (Nguồn: AFP-TTXVN)

Hàng loạt quốc gia ở châu Âu ngày 24/1 đã phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đang bao trùm phần lớn "Lục địa già."

Hiện tượng rét đậm, không có gió kết hợp với khói từ việc người dân đốt than và củi để sưởi ấm đã khiến nhiều khu vực tại châu Âu chìm trong lớp khói mù dày đặc và ô nhiễm không khí đáng báo động.

Tại nhiều nước, trong đó có Anh, Pháp và Bỉ, các cơ quan chức năng đã cảnh báo người già và trẻ em tránh các hoạt động thể chất ngoài trời, đặc biệt đối với những người đang gặp phải các vấn đề về hô hấp do không khí bị ô nhiễm nặng.

Giới chức thủ đô Paris của Pháp đã ra lệnh cấm các phương tiện có nguy cơ gây ô nhiễm cao lưu thông trên đường từ ngày 30/1, đồng thời giảm giá vé các phương tiện giao thông công cộng để khuyến kích người dân sử dụng.

Ngoài ra, nhiều khu vực tại Pháp cũng áp dụng quy định giảm tốc độ lái xe trên đường trong điều kiện thời tiết xấu. 

Tại thủ đô London của Anh, tình trạng sương mù dày đặc đã buộc sân bay Heathrow phải hoãn khoảng 100 chuyến bay trong hai ngày liên tiếp, trong bối cảnh Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Anh (Met Office) vừa đưa ra mức cảnh báo thời tiết "rất xấu" trên khắp xứ England.

Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nặng, khiến chính quyền thành phố lần đầu tiên phải áp đặt biện pháp cấm luân phiên ôtô cá nhân theo biển số chẵn​-lẻ để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí.

Thời tiết lạnh giá khiến người dân đốt than và củi sưởi ấm cũng khiến nhiều khu vực Đông Âu chìm trong màn khói mù mịt.

Giới chức Hungary đã ban bố cảnh báo ô nhiễm không khí tại 20 thành phố, bao gồm thủ đô Budapest.

Tại Bulgaria, ô nhiễm không khí cũng đã "bóp nghẹt" thủ đô Sofia - một trong những thành phố vốn được coi là ô nhiễm nhất châu Âu.

Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan chức năng thành phố vẫn chưa áp dụng bất kỳ biện pháp cụ thể nào để đối phó với tình trạng này.

Trong khi đó, các nghị sỹ tại khu vực Krakow của Ba Lan - nơi không khí ô nhiễm nhất cả nước, hôm 23/1 đã thông qua kế hoạch chống khói mù, theo đó kêu gọi đến năm 2030 sẽ thay thế than đá - một trong những loại nhiên liệu gây ô nhiễm nhất.

Nước này cũng đang xem xét các biện pháp cấm sử dụng các loại than đốt chất lượng thấp, đây được coi một biện pháp quan trọng để hạn chế ô nhiễm môi trường song ước tính sẽ rất tốn kém, do than đá hiện đang được sử dụng để cung cấp nhiệt cho 72% các hộ gia đình tại Ba Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục