Ngày 21/12, Bộ Ngoại giao Nga phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào những công ty tham gia dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga tới Đức mang tên "Dòng chảy Phương Bắc 2".
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt nói trên của Mỹ sẽ cản trở các quốc gia khác phát triển nền kinh tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích Washington vì đã đưa ra một "ý thức hệ" làm tổn hại tới môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Cùng ngày, một người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu rõ chính phủ nước này phản đối những biện pháp trừng phạt theo kiểu "ngoài lãnh thổ" mà Mỹ mới phê chuẩn. Berlin cho rằng những biện pháp nhằm vào các công ty Đức và châu Âu là sự can thiệp vào vấn đề nội bộ của khu vực này.
[Tổng thống Mỹ thông qua lệnh trừng phạt đường ống dẫn khí Nga-châu Âu]
Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Một người phát ngôn EU cho biết về nguyên tắc, liên minh luôn phản đối việc áp đặt những biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty của khối này đang làm ăn kinh doanh hợp pháp.
Ủy ban châu Âu (EC) hiện đang phân tích những tác động có thể xuất hiện từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Người phát ngôn này cũng cho biết, mục tiêu của EC là đảm bảo dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" vận hành một cách minh bạch, không phân biệt, với mức độ giám sát hợp lý. Người phát ngôn này cũng lưu ý các quy định của EU với các đường ống dẫn khí đốt về khối, vốn có hiệu lực từ tháng 5 vừa qua, đã được phía Mỹ công nhận.
Trước đó, sáng 21/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký phê chuẩn lệnh trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2". Đối tượng của lệnh trừng phạt là các công ty xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2" qua lòng biển Baltic.
Đây là dự án trị giá 11 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ giúp tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên từ Nga tới Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Mỹ cho rằng việc tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga sang Tây Âu sẽ khiến các nước ở khu vực này phụ thuộc nhiều hơn vào Nga, từ đó gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Moskva.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được phê chuẩn chỉ vài ngày sau khi EU làm trung gian cho thỏa thuận giữa Nga và Ukraine về vấn đề trung chuyển khí đốt tới châu Âu trước hạn chót Năm mới 2020. Nga và Ukraine cung cấp khoảng 18% nhu cầu khí đốt tự nhiên cho EU, càng tạo thêm áp lực cho các quan chức EU phải làm trung gian cho thỏa thuận./.