Các cơ quan tình báo châu Âu đã tiến tới thành lập một tổ chức trao đổi thông tin thống nhất nhằm hợp lực trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, theo đó tới mùa Hè này, một trung tâm chống khủng bố mới sẽ được thiết lập và có trụ sở ở Hà Lan.
Theo kế hoạch, tới đầu tháng 7/2016, một trung tâm chống khủng bố mới sẽ được thành lập tại trụ sở Cơ quan Tình báo Hà Lan (AIVD) gần thành phố La Hay (Hague), Hà Lan. Trung tâm chống khủng bố này, gồm đại diện 28 cơ quan tình báo các nước EU cùng hai nước Na Uy và Thụy Sĩ, có nhiệm vụ tạo thuận lợi cũng như đẩy mạnh việc trao đổi thông tin tình báo giữa giới chức an ninh 30 nước.
Mô hình trung tâm này được xây dựng và hoạt động theo mô hình của Trung tâm Liên hợp chống khủng bố (GTAZ) của Đức hoạt động 24/24 giờ ở Berlin, nơi thảo luận và trao đổi thông tin hàng ngày của những người làm công tác an ninh của Đức, đặc biệt liên quan tới lực lượng Hồi giáo thánh chiến.
Ông Hans-Georg Maaßen, người đứng đầu Cục Bảo vệ hiến pháp (BfV) - cơ quan tình báo nội địa của Đức, cảnh báo rằng các vụ tấn công khủng bố thời gian qua ở châu Âu đã cho thấy sự nguy hiểm trong các mạng lưới quốc tế của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Theo ông, để ngăn chặn các vụ tấn công xảy ra trong tương lai, các cơ quan tình báo và an ninh của châu Âu cần phải trao đổi cho nhau mọi thông tin liên quan.
Các vụ tấn công khủng bố ở Paris (Pháp) cuối năm ngoái, làm 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, đã cho thấy sự khó khăn của các nước EU trong việc theo dõi các đối tượng khủng bố dùng hộ chiếu giả để trà trộn vào châu Âu, đặc biệt khi chúng có thể tự do đi lại trong khu vực Schengen.
Giám đốc AIVD Rob Bertholee cho rằng chủ nghĩa khủng bố là vấn đề xuyên biên giới, đòi hỏi cần phải có một chiến lược chung để chống lại lực lượng này và việc lập trung tâm chống khủng bố mới sẽ giúp giới chức an ninh các nước có thông tin kịp thời, toàn diện về các chiến binh nước ngoài cũng như những mối đe doạ mà chúng có thể gây ra.
Về tình hình an ninh tại Đức, BfV cho biết số các thông tin cảnh báo về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố trong năm qua đã tăng gấp 3 lần. Theo đó, trung bình cứ 3 ngày, giới chức Đức lại nhận được thông tin thuộc loại này. Các thông tin đã khiến Đức phải ra lệnh huỷ nhiều sự kiện tập trung đông người như đá bóng, lễ hội hóa trang, các cuộc biểu tình hay phong tỏa, giải tán nhà ga, bến tàu./.