Châu Âu trở thành châu lục của nắng nóng

Châu Âu sẽ trở thành một châu lục của nắng nóng

Trong bốn thập kỷ tới, châu Âu sẽ trở thành châu lục của nắng nóng với nhiệt độ vào mùa Hè có thể lên tới 40 độ C.

Trong bốn thập kỷ tới, châu Âu sẽ trở thành châu lục của nắng nóng với nhiệt độ vào mùa Hè có thể lên tới 40 độ C và các nước Nam Âu đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng.

Trong một công trình nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu môi trường số ra ngày 7/3, các chuyên gia môi trường và nhà khí tượng học châu Âu đã đưa ra dự báo không mấy lạc quan trên.

Theo nghiên cứu, khí hậu châu Âu sẽ hoàn toàn biến đổi do tác động của hiện tượng Trái Đất ấm lên với nền nhiệt cao hơn nhiệt độ trung bình toàn cầu khoảng 2 độ C.

Tương tự như mùa Hè, mùa Đông tại châu Âu sẽ ấm hơn, đặc biệt là khu vực Bắc Âu, Scandinavia và Nga, với nhiệt độ trung bình có thể cao hơn từ 5-8 độ C so với hiện nay.

Vào mùa Hè, nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể cao hơn 3-4 độ C ở vùng Tây Nam châu Âu và Bán đảo Iberia và trên 40 độ C ở các vùng vốn đã có nhiệt độ cao nhất tại châu Âu, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp. Nhiệt độ cao sẽ kéo theo hạn hán tại nhiều nơi và tăng dịch bệnh.

Trong khi đó, mùa Đông, nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể cao hơn 2-3 độ C ở khu vực Trung và Nam Âu, và từ 5-8 độ C ở Scandinavia và Nga.

Một mùa Đông ấm áp hơn tác động hai mặt đối với Bắc Âu khi mặt tích cực là giúp người dân giảm được chi phí nhiên liệu để sưởi ấm, giảm số trường hợp tử vong do các căn bệnh liên quan tới giá rét, nhưng đồng thời lại ảnh hưởng xấu tới ngành du lịch mùa Đông và hệ sinh thái.

Theo dự báo của các chuyên gia, lượng mưa trung bình tại Nam Âu có thể giảm tới 10%, song lại tăng mức tương tự ở Bắc Âu. Hầu hết các khu vực phía Bắc lục địa già sẽ phải hứng chịu các trận mưa lớn, kéo theo nguy cơ lũ lụt trên diện rộng gây thiệt hại kinh tế nặng nề.

Hiện, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,8 độ C so với mức trung bình thời tiền cách mạng công nghiệp.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 2,6-4,8 độ C vào cuối thế kỷ 21, nếu các nước không tích cực hành động nhằm hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục