Ngày 18/10 tại Brussels, Hội nghị thượng đỉnh xã hội ba bên với chủ đề "Định hình tương lai châu Âu: Tăng cường sự thích ứng và xúc tiến các tiến bộ kinh tế và xã hội cho tất cả mọi người" đã đi sâu vào thảo luận ba chủ đề chính.
Ba chủ đề đó gồm tầm vóc xã hội châu Âu, sự tham gia của các đối tác xã hội trong xây dựng chính sách và thực hiện cải tổ của các nước thành viên, và đầu tư vào đào tạo nghề trong nền kinh tế xã hội kỹ thuật số.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đánh giá nhiệm vụ chung hiện nay là tạo điều kiện thuận lợi để những lợi ích từ tăng trưởng được chia sẻ rộng rãi.
[EU chi gần 120 triệu euro để bảo vệ các không gian công cộng]
Đó cũng chính là lý do các bên đã thảo luận một cách cụ thể về cách thức để các đối tác xã hội tham gia tốt hơn vào quá trình xây dựng chính sách.
Ông cho rằng chỉ bằng cách thực sự lắng nghe các đối tác xã hội, các quốc gia mới có thể đạt được tiến bộ thực sự. Ông nhận định điều này đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên số, nơi các công dân cần được trang bị các kỹ năng cần thiết để thích ứng.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh một châu Âu công bằng và xã hội hơn là chìa khóa định hình tương lai của Liên minh châu Âu (EU) và cũng là điều được các công dân mong đợi.
Ông mong muốn EU bảo vệ công dân của mình trong một thế giới đang biến đổi từng ngày, đồng thời cho đây chính là một trụ cột về quyền xã hội châu Âu.
Trên cương vị Chủ tịch luân phiên, Thủ tướng Estonia Juri Ratas nhấn mạnh châu Âu đã sống trong một xã hội kỹ thuật số và tất cả phải thích nghi để nắm bắt cơ hội và tránh bị tụt hậu.
Châu Âu cần cung cấp những kỹ năng tốt nhất cùng các chính sách bảo hộ xã hội cho công dân.
Ông khẳng định ủng hộ các nhà lãnh đạo EU duy trì thị trường lao động và hệ thống bảo vệ xã hội một cách hiệu quả nhất.
Các đối tác xã hội đã xem xét một cách nghiêm túc các vấn đề, cam kết nghiên cứu luật và chính sách của châu Âu và từng quốc gia nhằm đưa ra kiến nghị để đảm bảo tất cả phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số.
Chủ tịch Tổ chức Kinh doanh châu Âu (Business Europe) Emma Marcegaglia, đại diện của giới chủ, đánh giá châu Âu là nơi tốt nhất trên thế giới để sống, làm việc và kinh doanh.
Ông cho rằng EU cần tận dụng các thành tựu hiện nay với sự hỗ trợ của dự án châu Âu nhằm đảm bảo các biện pháp cải tổ phục vụ tốt cho công cuộc hiện đại hóa kinh tế và xã hội.
EU cần làm cho mình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư, duy trì một chương trình thương mại công bằng và tham vọng, mở ra các thị trường mới, tạo sự tăng trưởng bền vững cùng các cơ hội mới cho giới kinh doanh.
Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn châu Âu Luca Visentini cho biết các hiệp hội công đoàn châu Âu đang tìm cách thuyết phục các nước EU thông qua trụ cột về các quyền xã hội với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu.
Theo ông, cần nhiều biện pháp cụ thể hơn để tạo sự khác biệt thực sự cho cuộc sống của người lao động. Rất nhiều trong số họ chưa cảm nhận được sự hồi phục và thực sự tin tưởng EU đang tập trung thực thi công lý và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Ông nhận định EU cần bù đắp cho những năm tháng khủng hoảng và phòng ngừa các biến động do trào lưu số hóa mang lại nhằm không để người lao động nào bị bỏ rơi./.