Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/11 cho biết nhiệt độ trong tháng 10 tại châu Âu đã ở mức cao kỷ lục, hơn gần 2 độ C so với giai đoạn C3S thống kê nhiệt độ từ năm 1991-2020.
Phó Giám đốc C3S, bà Samantha Burgess nhận định: “Các hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ngày nay rất rõ rệt và chúng ta cần hành động khí hậu cần mạnh mẽ hơn tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (COP27) để đảm bảo giảm khí thải sao cho mức tăng nhiệt độ nằm trong giới hạn 1,5 độ C đã nhất trí trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.”
C3S cho biết tình trạng nóng lên “khiến nhiệt độ hằng ngày tăng lên mức kỷ lục ở Tây Âu, và một tháng 10 nóng kỷ lục ở Áo, Thụy Sĩ và Pháp.”
Những vùng rộng lớn ở Italy và Tây Ban Nha cũng chứng kiến những mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng trước.
Theo C3S, Canada cũng trải qua cái nóng kỷ lục. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình thấp hơn được ghi nhận ở Australia, vùng Viễn Đông Nga và nhiều nơi ở Tây Nam Cực.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang tham gia các cuộc thảo luận cam go tại Ai Cập và phải đối mặt với những lời kêu gọi khẩn cấp giảm khí thải nhằm tránh các thảm họa khí hậu.
[WMO: Thế giới vừa trải qua một trong số những tháng 7 nóng kỷ lục]
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo các nước cần hợp tác, nếu không sẽ phải đối mặt với “cuộc tự sát tập thể” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại COP27, ông Guterres nhấn mạnh: “Nhân loại đang đối mặt với một lựa chọn: hợp tác hoặc hủy diệt.”
Tổ chức Khí hậu Thế giới (WMO) ngày 6/11 cho biết nếu các dự báo cho năm 2022 là đúng thì trong 8 năm vừa qua, năm nào cũng nóng hơn so với các năm trước 2015, cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn đáng kể.
Theo tổ chức này, mực nước biển tăng, băng tan, mưa lớn, các đợt gió nóng sẽ gia tăng khi nhiệt độ toàn cầu ấm hơn.
Trái đất đã ấm hơn 1,1 độ C so với cuối thế kỷ XIX, trong đó một nửa mức tăng nhiệt này được ghi nhận trong vòng 30 năm trở lại đây.
Năm 2022 sẽ là năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 từng được ghi nhận, bất chấp tác động của La Nina từ năm 2020 - hiện tượng tự nhiên tại Thái Bình Dương có tác động làm lạnh khí quyển./.