Giới chức an ninh châu Âu thừa nhận đang phải đối phó với mối đe dọa luôn biến đổi và ngày càng phức tạp từ các phần tử thánh chiến cực đoan, bao gồm các tổ chức bí mật và các tay súng từ Trung Đông trở về "lục địa già," mà bằng chứng là những cuộc tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris của Pháp trong những ngày vừa qua.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 18/1 dành cho hãng tin BBC của Anh, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) Rob Wainwright cho rằng bối cảnh an ninh hiện nay khó dự đoán và nguy hiểm hơn bao giờ hết kể từ sau cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001.
Ông Wainwright cho biết cảnh sát đã phát hiện nhiều đối tượng độc lập và bán độc lập tự giác ngộ thành những phần tử cấp tiến qua Internet hoặc thời gian tham chiến ở Iraq và Syria. Điều này khiến an ninh ở châu Âu giờ đây nguy hiểm hơn sau cuộc tấn công kinh hoàng ở Mỹ, thời điểm châu Âu duy trì được cơ cấu chỉ huy và kiểm soát đồng bộ.
Trả lời hãng tin CBS, Thủ tướng Anh David Cameron thừa nhận đây là thời kỳ cực kỳ nguy hiểm khi châu Âu đối mặt với nguy cơ cao bị tấn công, đồng thời nhấn mạnh việc đối phó với các phần tử cực đoan là công việc lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và cần sự tham gia của cả quân đội. Theo nhà lãnh đạo này, châu Âu cần thể hiện rõ những giá trị cần được bảo vệ và coi trọng.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNN của Mỹ, Thượng nghị sỹ nước này Richard Burr cho rằng các vụ tấn công ở Paris chứng tỏ thế giới cần đánh giá lại khả năng kiểm soát những mối đe dọa có thể xảy ra.
Các cuộc tấn công bạo lực ở Paris làm 17 người thiệt mạng không chỉ khiến người dân thành phố này và cả thế giới bàng hoàng mà còn làm dấy lên những câu hỏi bằng cách nào thủ phạm có thể lọt qua mạng lưới an ninh?
Được biết, hai thủ phạm vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo ở Paris có liên hệ với các nhóm thánh chiến ở Yemen và Syria. Một trong hai thủ phạm vụ này và tay súng sát hại bốn con tin tại một siêu thị từng ngồi tù./.