Châu Âu và sự chia rẽ bất ngờ trong vấn đề tái chế rác thải nhựa

Các chương trình khuyến khích tái chế rác thải nhựa ở châu Âu đang vấp phải một trở ngại không ngờ tới, đó là sự phân hóa giữa các quốc gia phía Nam và phía Bắc.

Một thùng phân loại rác tại thủ đô Paris, Pháp. (Nguồn: Vietnam+)
Một thùng phân loại rác tại thủ đô Paris, Pháp. (Nguồn: Vietnam+)

Rác thải sinh hoạt là vấn đề chung của mọi thành phố. Dù cho hệ thống phân loại rác đang ngày càng trở nên hiện đại, không thể phủ nhận rằng lượng rác của con người thải ra môi trường cũng tăng theo cấp số nhân.

Không chỉ các quốc gia đang phát triển, những thành phố lớn của châu Âu cũng đang “oằn mình” chống đỡ với vấn nạn rác thải nhựa. Cuộc sống càng tiện ích, thì lượng rác thải lại càng lớn, đặc biệt là rác thải nhựa từ bao bì thực phẩm.

Gánh nặng rác thải châu Âu

Người ta vẫn luôn cho rằng “Lục địa Già” là khu vực đi đầu thế giới trong phân loại rác, bởi đây là nơi có môi trường sống trong lành, người dân có ý thức cao. Bởi vậy, nhiều người Việt Nam khi lần đầu đến châu Âu không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp những thùng rác chứa ngập rác thải chưa phân loại ở khắp mọi nơi trong thành phố.

Nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Na Uy, Thụy Sĩ đã đạt được mục tiêu tái chế 90% rác thải nhựa. Một số chung cư của Đức thu phí cao nếu người dân không muốn phân loại rác thải. Tuy nhiên, do lượng rác thải nhựa quá nhiều, 10% còn lại vẫn tạo gánh nặng đáng kể lên những thùng rác công cộng trên đường phố, những nhà máy tái chế xử lý rác thải.

Trong khi đó, tại một số quốc gia như Pháp, Italy, Tây Ban Nha, rác thải đã thực sự trở thành một vấn nạn. Tại nhiều khu vực ở Paris, Pháp, rác thải đã nhiều đến mức tràn ra khỏi những thùng chứa rác công cộng, dù cho nhà máy xử lý rác thải vẫn hoạt động liên tục. Hơn nữa, hệ thống xử lý rác quá tải cũng khiến những người dân sống gần những nhà máy xử lý rác còn phải chịu đựng mùi hôi thối hàng ngày.

Những cuộc đình công xảy ra triền miên tại Pháp càng khiến cho Paris trở nên căng thẳng vì rác thải. Thậm chí đến người dân cũng cảm thấy bất bình khi rác thải ảnh hưởng đến cuộc sống. Đối với người dân, việc đình công theo kiểu không thu gom rác là hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng, đến quyền lợi cơ bản của cư dân.

Tại Italy, hệ thống thu gom và xử lý rác thải hoạt động yếu kém tại khu vực Campania, miền Nam nước này cũng là nguyên nhân khiến Tòa án của Liên minh châu Âu phạt nước này 20 triệu euro.

Tại Venice, vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến nơi này vắng bóng khách du lịch, người dân đã chứng kiến sự lột xác kỳ diệu của những dòng kênh, với những đàn cá nhỏ bơi lội giữa dòng nước trong vắt, càng cho thấy môi trường nơi đây ô nhiễm trầm trọng đến thế nào do rác thải của khách du lịch.

Trong nỗ lực nhằm hạn chế rác thải nhựa, vào năm 2019, Nghị viện châu Âu đã thông qua một đạo luật về cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, trong đó có ống hút, thìa, dĩa dùng một lần…

Mục tiêu đến 2025, châu Âu sẽ tái chế 90% các loại rác thải nhựa. Tuy nhiên, cho đến nay, với sự bùng nổ của các loại hình đồ ăn, đồ uống take-away, mục tiêu này vẫn còn quá xa vời. Và kết quả là những thùng rác công cộng vẫn luôn trĩu nặng rác trên các đường phố của nhiều thành phố lớn ở châu Âu.

Những nỗ lực tái chế rác thải

Theo thông tin do Nghị viện châu Âu cung cấp vào tháng 1/2023, hiện tại mới có khoảng gần 1/3 lượng rác thải nhựa ở châu Âu được tái chế.

EU đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu lượng rác thải nhựa. Nhưng bất chấp mọi nỗ lực, vẫn luôn có một lượng rác thải nhựa được tạo ra. Biện pháp xử lý tốt nhất ở đây có lẽ là tăng tỷ lệ tái chế nhựa.

vnp_rac thai chau au 3.jpg
Quy định về phân loại rác tại châu Âu. (Nguồn: Vietnam+)

Ở châu Âu, rác thải nhựa được xử lý chủ yếu bằng biện pháp thu hồi năng lượng, ví dụ như đốt cháy. Biện pháp tiếp theo là tái chế. Còn lại khoảng 25% tổng lượng rác thải nhựa sẽ được xử lý bằng cách chôn lấp.

Tuy nhiên, trên thực tế, một nửa số rác thải nhựa được thu gom để tái chế sẽ được xuất khẩu để xử lý ở ngoài EU do nhiều lý do khác nhau như hạn chế về công nghệ, tài chính. Xuất khẩu rác thải của EU sang các nước ngoài khu vực đã đạt 32,7 triệu tấn vào năm 2020, chủ yếu được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ai Cập.

Tuy nhiên, tỷ lệ rác thải nhựa được tái chế còn thấp, đồng nghĩa với việc môi trường và nền kinh tế sẽ chịu nhiều tổn hại. Người ta ước tính 95% giá trị của vật liệu bằng plastic sẽ mất đi sau một chu kỳ sử dụng ngắn đầu tiên. EU hiện đang cố gắng tìm ra những cách quản lý rác thải nhựa một cách thân thiện hơn với môi trường.

Vào tháng 6/2019, EU đã thông qua mục tiêu giảm rác thải nhựa trên đại dương, với mục tiêu tái chế 25% chai nhựa vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Vào tháng 11/2020, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các quy định mới trên toàn EU về bao bì, bao gồm cả việc cải thiện thiết kế bao bì, với các nhãn mác được ghi chú rõ ràng nhằm thúc đẩy việc tái sử dụng và tái chế, đồng thời kêu gọi người dân chuyển đổi sang sử dụng nhựa sinh học, loại có thể phân hủy.

Đặc biệt, Chương trình gửi và hoàn trả (DRS - Deposit and Return Scheme) được triển khai ở nhiều nước châu Âu đang mang lại những hiệu quả tích cực.

Người tiêu dùng sẽ phải trả một khoản phí đặt cọc khi mua đồ uống đựng trong chai nhựa, lon nhôm dùng một lần. Khoản tiền này sẽ được hoàn trả khi họ trả lại hộp rỗng. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng hưởng lợi vì tỷ lệ thu vỏ chai về càng cao thì khoản thuế môi trường họ phải nộp cũng càng ít hơn.

Na Uy là một ví dụ tích cực nhất cho những quốc gia muốn áp dụng DRS. Năm 1999, chính quyền đã đưa ra mức thuế môi trường cao đối với vỏ chai, lon đồ uống. Mức thuế này giảm dần theo tỷ lệ vỏ chai thu lại đươc. Nếu tỷ lệ thu về là trên 95%, mức thuế này sẽ được bãi bỏ. Vào năm 2022, ước tính có gần 99% vỏ lon và chai nhựa PET đã được thu gom tại quốc gia này.

Một báo cáo năm 2020 của Tòa án Kiểm toán châu Âu cho biết các quốc gia áp dụng DRS có tỷ lệ gom chai PET là hơn 80%, cao hơn hẳn so với mức trung bình 58% trên toàn EU.

Bên cạnh tỷ lệ thu phí, vẫn có một số yếu tố khác khiến cho chương trình này chứng tỏ được sự hiệu quả. Trong đó, đặc biệt nó giúp giảm đáng kể tình trạng xả rác vì người tiêu dùng có động cơ kinh tế để trả lại vỏ hộp, vỏ lon. Và ngay cả khi người tiêu dùng vứt các vỏ lon đó đi, những người tìm được và chủ động thu gom sẽ nhận được khoản tiền đặt cọc này.

Một châu Âu bị chia cắt

Tuy nhiên, các chương trình khuyến khích tái chế rác thải nhựa ở châu Âu lại đang vấp phải một trở ngại không ngờ tới, đó là sự phân hóa giữa các quốc gia phía Nam và phía Bắc.

vnp_rac thai chau au.jpg
Một thùng rác trên đường phố tại Geneva, Thụy Sĩ đầy vỏ chai nhựa. (Nguồn: Vietnam+)

Na Uy và các nước láng giềng trong khu vực Scandinavia luôn đi tiên phong trong sáng kiến tái chế rác thải nhựa. Nhưng gần 40 năm kể từ khi Thụy Điển lần đầu triển khai DRS vào năm 1984, vẫn tồn tại sự phân chia Bắc-Nam rõ rệt trên khắp châu Âu, rác thải nhựa vẫn là chủ để nóng của giới quản lý EU.

Hiện tại, DRS đang được áp dụng tại các quốc gia châu Âu gồm Thụy Điển, Iceland, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Estonia, Litva, Croatia, Slovakia, Latvia và Malta. Dự kiến, Bồ Đào Nha, Romania, Ireland, Hungary và Áo sẽ triển khai vào năm 2025.

Nhìn danh sách, có thế thấy sự vắng mặt đáng chú ý của ba quốc gia lớn nhất ở khu vực phía Nam gồm Pháp, Italy và Tây Ban Nga. Chỉ có Bồ Đào Nha sẵn sàng đi ngược lại sự phân hóa địa lý này, nhưng kế hoạch của nước này vẫn đang bị trì hoãn kể từ tháng 1 năm 2022.

Không phải ai cũng có cái nhìn tích cực về DRS. Chương trình này cũng cần một khoản chi phí lớn dành cho cơ sở hạ tầng cũng như vận hành hệ thống, bao gồm việc mua hoặc cho thuê các máy thu gom vỏ lon, và nhân công cho việc thu gom và vận chuyển.

Thậm chí Mario Grosso, giáo sư quản lý chất thải tại Đại học Politecnico ở Milan, Italy cho rằng DRS không những không thể ngăn chặn việc sản xuất đồ dùng bằng nhựa, mà còn có nguy cơ truyền tải thông điệp ngược, rằng “đồ nhựa là tốt nếu nó được tái chế.” Ông cho rằng DRS giống như một cơ chế bảo hiểm nhân thọ cho đồ nhựa.

Việc tập trung vào tái chế là trọng tâm của cái được gọi là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), theo đó bắt buộc các nhà sản xuất phải giải quyết việc thu hồi, tái chế hay loại bỏ sản phẩm. DRS là một công cụ để thực hiện EPR.

Như vậy, các nhà sản xuất sẽ phải chịu chi phí thực hiện kế hoạch. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi nó vấp phải nhiều sự phản đối.

Tại Italy, chương trình tái chế DRS không áp dụng cho hộp nhựa dùng một lần, do hầu hết các nhà sản xuất đều cho rằng điều đó là không cần thiết. Conai, tập đoàn sản xuất bao bì quốc gia, cho rằng hệ thống này là “sự trùng lặp không cần thiết về chi phí kinh tế và môi trường.” Theo Conai, các nhà sản xuất tại Italy tuyên bố rằng họ đã đạt được tỷ lệ tái chế cao nhờ kết hợp việc thu gom truyền thống tại các thùng rác với hệ thống thu gom chọn lọc, theo đó chi phí sẽ “thấp hơn 10 lần” so với DRS.

Tại Tây Ban Nha, Ecoembes, một tổ chức của những nhà kinh doanh đồ đóng hộp và chịu trách nhiệm thu gom các vỏ lon sau khi tái sử dụng, đã đưa ra lập luận tương tự. Coca-Cola, Danone, L'Oreal, Carrefour và Unilever cũng đều nằm trong số các thành viên của tổ chức này.

Năm 2022, Tây Ban Nha đã thông qua một đạo luật yêu cầu bắt buộc áp dụng DRS nếu đến 2023 các nhà sản xuất không đạt được mục tiêu thu gom 70% số chai nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, Ecoembes cho rằng họ hoàn toàn có thể vượt qua con số này chỉ bằng cách thu gom vỏ chai thông qua các thùng rác thông thường.

Cả Conai và Ecoembes đều không công khai phản đối DRS vì điều đó sẽ khiến họ trở thành những tổ chức thiếu thiện cảm trong mắt cộng đồng, như những tập đoàn đa quốc gia muốn thu thêm lợi nhuận bằng việc biến đại dương thành biển rác thải nhựa.

Thay vào đó, họ tập trung vào các mục tiêu thu gom rác truyền thống, cho rằng có thể đạt được tỷ lệ thu gom tái chế rác thải nhựa cao mà không cần đến DRS.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục