Châu Phi năm 2020: “Mảnh đất của cơ hội” cho các nhà đầu tư

Các chiến lược gia của Bank of America cho rằng châu Phi là “vùng đất của cơ hội” và có thể là một trong những khu vực được hưởng lợi lớn nếu đàm phán Mỹ và Trung Quốc đạt được nhiều tiến triển hơn.
Châu Phi năm 2020: “Mảnh đất của cơ hội” cho các nhà đầu tư ảnh 1Một đoạn sông Nile chảy qua thủ đô Cairo (Ai Cập) ngày 7/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng moneyweb.co.za ngày 26/12 đăng bài phân tích những diễn biến chính đáng chú ý tại 10 thị trường hàng đầu châu Phi năm 2020.

Theo bài viết này, các nhà giao dịch trái phiếu toàn cầu đầu tư mạo hiểm vào châu Phi đã gặt hái được những lợi nhuận tích cực trong năm 2019, song có thể đối mặt với một loạt rủi ro mới trong năm 2020.

Kể từ đầu năm 2019, trái phiếu chính phủ phát hành bằng đồng USD của các nước châu Phi đã mang lại mức lợi nhuận 20% cho các nhà đầu tư, cao hơn bất kỳ thị trường mới nổi nào trên thế giới.

Trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ của các nước ở châu Phi cũng có tính thanh khoản tốt. Các trái phiếu phát hành bằng đồng bảng của Ai Cập và naira của Nigeria đã đạt lợi nhuận hơn 30% tính theo đồng USD.

Nếu các ngân hàng trung ương lớn của thế giới vẫn duy trì chính sách tiền tệ “ôn hòa” trong năm 2020, triển vọng tỷ suất lợi nhuận cao hơn sẽ được duy trì ở các thị trường mới nổi và có nghĩa là nhu cầu đối với trái phiếu châu Phi vẫn khá cao.

Theo các chỉ số của J.P. Morgan Chase & Co, mức chênh lệch lợi suất mà các nhà đầu tư mua trái phiếu chính phủ bằng đồng USD ở châu Phi được hưởng so với các trái phiếu chính phủ Mỹ đã thu hẹp gần 100 điểm cơ bản trong năm 2019.

Tuy nhiên, với mức chênh lệch 461 điểm cơ bản, thì lợi suất của các trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn cao nhất so với bất kỳ khu vực thị trường mới nổi nào và gấp đôi so với Đông Âu.

Các chiến lược gia của ngân hàng Bank of America (Mỹ) cho rằng châu Phi là “vùng đất của cơ hội” và có thể là một trong những khu vực được hưởng lợi lớn nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được nhiều tiến triển hơn trong các cuộc đàm phán thương mại.

Tuy nhiên, trong năm 2020, các nhà đầu tư dự kiến phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nam Phi có thể “tuột mất” mức xếp hạng cấp đầu tư cuối cùng mà nước này đang sở hữu.

Chính phủ Ghana có thể tăng cường chi tiêu trước cuộc bầu cử sắp tới, cuộc khủng hoảng nợ của Zambia có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và Nigeria có thể buộc phải phá giá nội tệ.

Theo bài viết, các nhà đầu tư cần chú ý dõi theo để tìm kiếm cơ hội ở 10 thị trường chính châu Phi trong năm 2020:

Angola  

Angola - nước sản xuất dầu lớn thứ hai của châu Phi - vẫn đang gặp khó khăn vì giá dầu giảm mạnh cách đây 5 năm.

Theo đánh giá Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong tuần này, năm 2019 sẽ là năm thứ 5 liên tiếp nền kinh tế Angola sụt giảm.

Tuy vậy, các nhà đầu tư đã và đang ấn tượng với những cải cách của ngân hàng trung ương nước này, bao gồm việc tiếp tục giảm giá đồng nội tệ kwanza.

Năm 2019, đồng kwanza đã giảm 32% so với USD. Sự xuống giá của đồng nội tệ Angola đã làm gia tăng sức ép lạm phát, song đồng thời làm giảm tình trạng thiếu hụt ngoại tệ đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp ở quốc gia miền Nam châu Phi này.

Ai Cập

Ai Cập vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Với "sức hút” từ tỷ suất lợi nhuận khoảng 14% đối với trái phiếu đồng bảng Ai Cập, các nhà đầu tư tiếp tục đổ xô về quốc gia Arab này.

Năm 2019, đồng bảng Ai Cập đã tăng giá 12%, mức tốt nhất trong ít nhất là 25 năm gần đây và Societe Generale Nam Phi dự báo đồng nội tệ Ai Cập sẽ tăng 4,5% so với USD lên 15,35 bảng Ai Cập đổi 1 USD vào năm 2020.

Tuy vậy, những cải cách của Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi vẫn chưa thu hút được các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo ra việc làm vốn đang rất cần đối với quốc gia Bắc Phi này.

Nhận thức được điều này, các nhà đầu tư sẽ quan sát kỹ để dự đoán xem liệu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy khả năng tái diễn các cuộc biểu tình hồi tháng 9/2019 vốn gây ra sự xáo động mạnh trên thị trường trong nước trong một thời gian ngắn.

Ethiopia

Ethiopia sẽ vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, ẩn chứa bên trong là những vấn đề hết sức nghiêm trọng: Lạm phát đã và đang tăng vọt lên hơn 20% và tình trạng thiếu ngoại hối ở mức trầm trọng.

Mới đây, Thủ tướng Abiy Ahmed, người vừa đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2019, đã phải “nhờ cậy” tới IMF với khoản vay trị giá 2,9 tỷ USD trong 3 năm. Các nhà đầu tư hoan nghênh động thái này vốn được cho rằng sẽ đẩy nhanh các kế hoạch mở cửa và hiện đại hóa nền kinh tế do nhà nước kiểm soát.

[Các doanh nhân trẻ kỹ thuật số dẫn dắt châu Phi vào kỷ nguyên mới]

Ngân hàng trung ương Ethiopia bắt đầu hạ giá đồng birr của Ethiopia vốn trước đó đã được định giá quá cao so với USD.

Nhà kinh tế trưởng Charlie Robertson của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh) cho rằng thỏa thuận của Ethiopia với IMF là một trong những diễn biến đáng chú ý nhất ở châu Phi trong thập niên này.

Ghana

Nền kinh tế lớn thứ hai của Tây Phi sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm 2020, với việc Tổng thống Nana Akufo-Addo có thể đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.

Ghana có lịch sử về sự hoang phí tài chính trong thời gian tranh cử và các nhà đầu tư sẽ quan sát xem liệu chính phủ có thận trọng hơn trong lần tiếp theo này hay không.

Đồng nội tệ cedi của Ghana đã và đang chịu sức ép lớn và giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng này.

Tuy nhiên, Renaissance Capital đưa ra khuyến nghị khách hàng nên mua trái phiếu Eurobond do Ghana phát hành, cho rằng hiện tại, đồng cedi là một trong những loại tiền tệ được định giá thấp nhất ở châu Phi.

Côte d'Ivoire

Đất nước thuộc khối Pháp ngữ này sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10/2020. Nhiều nhà phân tích hy vọng cuộc bầu cử này sẽ đánh dấu một bước chuyển giao sang thế hệ lãnh đạo trẻ.

Tuy nhiên, vẫn có khả năng sẽ diễn ra sự cạnh tranh giữa đương kim Tổng thống Alassane Ouattara (nắm quyền từ năm 2011) và các đối thủ lâu năm của ông là Henri Konan Bedie và Laurent Gbagbo.

Theo các nhà phân tích Anne Fruhauf và Malte Liewerscheidt của công ty tư vấn tài chính quốc tế Teneo Intelligence (Mỹ), nếu điều này xảy ra thì Côte d'Ivoire có nguy cơ sẽ rơi vào tình trạng bất ổn mà quốc gia Tây Phi này dường như mới chỉ thoát ra được cách đây 10 năm.

Kenya

Nền kinh tế Kenya được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,8% trong năm 2020, khiến quốc gia Đông Phi này trở thành một trong những nước có mức tăng trưởng nhanh nhất châu Phi.

Bank of America cho rằng việc loại bỏ trần lãi suất vào tháng 11/2019 là một lý do nữa làm tăng sự lạc quan và sẽ giúp chính phủ Kenya nhận được khoản vay dự phòng từ IMF.

Điểm mấu chốt đối với triển vọng dài hạn của Kenya sẽ là liệu quốc gia Đông Phi này có thể kiềm chế thâm hụt ngân sách hay không.

Với mức thâm hụt ngân sách năm 2019 dự báo ở mức tương đương 6,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Kenya là một trong những nước có thâm hụt ngân sách lớn nhất trong khu vực phía Nam Sahara châu Phi.

Mozambique

Hồi tháng 10/2019, Mozambique đã hoàn thành việc tái cơ cấu “nợ bí mật” vốn đã kéo dài từ khi nước này tuyên bố vỡ nợ 727 triệu USD trái phiếu phát hành bằng đồng euro vào đầu năm 2017.

Điều này sẽ mở đường cho chính phủ Mozambique tăng một phần nguồn vốn cần thiết đối với các dự án khai thác khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá hàng tỷ USD.

Nếu thành công trong huy động vốn khai thác LNG, quốc gia miền Nam châu Phi nghèo khó này sẽ trở thành một nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn trên thế giới.

Nigeria

Vị thế là một trong những thị trường giao dịch tốt nhất thế giới của Nigeria có lẽ sẽ kéo dài chừng nào Thống đốc ngân hàng trung ương Godwin Emefiele giữ cho đồng nội tệ naira ổn định.

Nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn, do dự trữ ngoại hối của Nigeria đã giảm 14% xuống còn 39 tỷ USD kể từ tháng 7/2019.

Thống đốc Godwin Emefiele đã phát đi tín hiệu cho thấy dự trữ ngoại hối sẽ giảm sâu hơn khi đồng naira sẽ tiếp tục được nới lỏng hơn nữa.

Trong khi đó, các nhà chức trách tài chính sẽ cố gắng thúc đẩy mức tăng trưởng của kinh tế Nigeria vốn đã thấp hơn mức tăng dân số của quốc gia Tây Phi này trong 5 năm qua.

Nam Phi

Theo dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Johannesburg (JSE), năm 2019, nhiều nhà đầu tư đã rời khỏi Nam Phi và rút 10 tỷ USD từ thị trường chứng khoán và trái phiếu địa phương.

Các nhà đầu tư lo ngại về cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc tại công ty điện lực quốc doanh Eskom vốn không thể xử lý được khoản nợ 30 tỷ USD nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ nước này và nhiều khả năng hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s sẽ giảm mức xếp hạng đầu tư cuối cùng của Nam Phi xuống mức “rác,” tức là mức không nên đầu tư.

Tuy nhiên, nếu Tổng thống Cyril Ramaphosa tiến hành cải cách Eskom, các nhà đầu tư có thể sẽ nhanh chóng quay trở lại. Bank of America và ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đều cho rằng lãi suất trái phiếu được điều chỉnh theo lạm phát rất hấp dẫn và ngân hàng trung ương Nam Phi có thể cắt giảm lãi suất.

Zambia

Năm 2019, tình hình “sức khỏe" của nền kinh tế Zambia đã trở nên suy yếu hơn do ảnh hưởng của hạn hán và tình trạng mất điện nghiêm trọng.

Trái phiếu của nước sản xuất kim loại đồng hàng đầu thế giới này đã có lợi suất lên tới gần 20%, cho thấy các nhà đầu tư đánh giá rủi ro vỡ nợ cao. Chính phủ Zambia vẫn còn thời gian để hành động - kỳ hạn thanh toán trái phiếu Eurobond tiếp theo là vào tháng 9/2022.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng Zambia sẽ phải nỗ lực để tránh phải tái cơ cấu nợ, trừ khi quốc gia miền Nam châu Phi này nhanh chóng được giảm nợ từ các khoản vay của Trung Quốc và được IMF "giải cứu."

Cho đến nay, Tổng thống Edgar Lungu dường như miễn cưỡng chấp nhận các điều kiện sẽ đi kèm với một khoản vay từ IMF./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục