Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp và Ivory-Coast được công bố ngày 11/3, với sự bùng nổ dân số thành thị sử dụng than đá và gỗ làm nguồn cung cấp năng lượng, châu Phi có thể sẽ "đóng góp" ít nhất 55% trong tổng lượng chất thải gây ô nhiễm của thế giới vào năm 2030.
Trước đây, năm 2005, theo những phát hiện được đăng tải trên tạp chí nghiên cứu về môi trường Environmental Research Letters, phần đóng góp những chất gây ô nhiễm khí quyển của lục địa Đen là từ 5% sulphur dioxide và nitrogen oxide đến 20% carbon hữu cơ, và 10% carbon đen, carbon monocide, và non- methane hydrocarbon.
Những phân tử độc hại này được sinh ra khi carbon không được đốt cháy hết trong quá trình động cơ đốt cháy nhiên liệu (xăng, dầu), cũng như trong quá trình sưởi ấm và đun nấu bằng than, gỗ, than đá hoặc rác thải là động vật.
Các tác giả của nghiên cứu trên nêu rõ các chất thải khí quyển từ châu Phi sẽ "gia tăng đáng kể vào năm 2030 nếu không có biện pháp điều chỉnh nào được thực hiện".
Dựa trên nghiên cứu mới đây, hai nhà khoa học nói trên đã đưa ra dự đoán rằng dân số châu Phi có thể chiếm tới 40% dân số toàn thế giới vào năm 2100, và dân số thành thị tại khu vực này có thể tăng gấp đôi trong giai đoạn 2000-2030 - đi đôi với sự phát triển nhanh chóng các hoạt động khai thác mỏ, khai thác dầu lửa và các ngành công nghiệp khác.
Các nhà khoa học đã đưa ra khuyến nghị rằng Tây Phi và Đông Phi nên sử dụng các nhiên liệu sinh học một cách hiệu quả, Nam Phi nên hạn chế sử dụng than đá làm chất đốt bên cạnh việc tuân thủ các quy định về đảm bảo môi trường nhằm giảm thiểu khí thải sinh hoạt cũng như khí thải công nghiệp.
Theo đánh giá của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các loại chất thải ô nhiễm nói trên có thể là nguyên nhân gây bệnh hen suyễn, dị ứng, bệnh đường hô hấp, tim mạch và đặc biệt là ung thư. Ước tính hơn 2 triệu người tử vong mỗi năm do hít phải không khí bị ô nhiễm trong nhà và ngoài trời./.