Khoảng 4,4 triệu tấn là số lượng rác thải nhựa bị vứt xuống các vùng biển và đại dương xung quanh châu Phi mỗi năm, đe dọa nghiêm trọng sự sống dưới nước cũng như tạo ra một tấm thảm độc hại trên mặt nước.
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn lời ông Mohamed Atani, chuyên viên truyền thông khu vực châu Phi của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết chất thải nhựa nói riêng và việc quản lý chất thải nói chung là một vấn đề thực sự nhức nhối tại lục địa này và hiện đang là mối hiểm họa nhãn tiền đối với sức khỏe con người.
Theo ông Atani, phần lớn các chất thải nhựa đổ ra biển là do con người thải ra từ những hoạt động và sinh hoạt thường ngày và trong đó đa số là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, ông Atani cũng cho biết nhằm bảo vệ môi trường, một số nước châu Phi như Maroc, Rwanda và Kenya đã đi tiên phong trong việc cấm sử dụng túi nilon tại siêu thị.
[ILO kêu gọi hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần]
Theo công bố của Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy, 90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút. Trong số đó, 70-80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền, của các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ven biển, xả thẳng ra sông, ra biển, không qua xử lý.
Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và một phần lớn trong số đó sẽ kết thúc ở các đại dương nơi mà chúng sẽ "trôi nổi" trong nhiều thế kỷ. Như vậy, theo một kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương.
Điều đáng sợ là khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân. Người ta ước tính, mỗi năm chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh bốn vòng Trái Đất, và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi tiêu hủy hoàn toàn./.