Châu Phi xem xét thành lập một lực lượng phản ứng nhanh

Các nhà lãnh đạo và chuyên gia quân sự của 12 quốc gia châu Phi đã nhóm họp tại thủ đô Kampala của Uganda, thảo luận về việc thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh tại châu lục này.
Binh sỹ Ai Cập. (Nguồn: AP)

Ngày 28/8, các nhà lãnh đạo và chuyên gia quân sự của 12 quốc gia châu Phi đã nhóm họp tại thủ đô Kampala của Uganda, thảo luận về việc thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh tại châu lục này.

Đây là lần thứ ba các quốc gia châu Phi tổ chức cuộc họp trong khuôn khổ Chương trình Ứng phó nhanh với các tình huống khẩn cấp tại châu Phi (ACIRC). Đây là sáng kiến đa quốc gia tạm thời, được thiết lập hồi tháng 11/2013, để xem xét những hành động can thiệp quân sự và hỗ trợ nhân đạo trong các tình huống khẩn cấp ở lục địa này.

Phát biểu tại cuộc họp lần này, thay mặt Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Uganda, Trung tướng Ivan Koreta cho biết châu Phi cần tăng cường phối hợp hành động quân sự kịp thời để giải quyết các cuộc xung đột kéo dài và phức tạp ở một số quốc gia đang hủy hoại nền hòa bình và gây bất ổn tại lục địa này.

[Ai Cập tuyên bố không thỏa hiệp với hành vi hậu thuẫn khủng bố]

Tướng Koreta cho biết ACIRC có thể mang lại những tác động tích cực, giúp ngăn chặn, giải quyết các cuộc xung đột vũ trang và nguy cơ bùng phát bạo động, đồng thời đối phó sớm với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra tại khu vực này. Đặc biệt, các quốc gia châu Phi cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để tăng cường sự gắn kết và năng lực hành động trong xử lý tình huống khẩn cấp, phức tạp tại đây.

Theo các chuyên gia tham dự cuộc họp, kinh phí để hỗ trợ, triển khai các nhóm tác chiến của ACIRC, dự kiến lên tới hơn 30 triệu USD trong năm tài chính 2017/2018. Mỗi quốc gia thành viên thống nhất tự nguyện đóng góp 12.000 USD/năm cho các hoạt động và quản lý của ACIRC. Báo cáo của các chuyên gia và các chỉ huy quân sự sẽ được gửi tới bộ trưởng quốc phòng các nước, dự kiến sẽ họp vào ngày 29/8 tới.

Tham dự cuộc họp lần này có các chỉ huy và chuyên gia quân sự của Uganda, Algeria, Angola, Burkina Faso, Cộng hòa Chad, Ai Cập, Rwanda, Senegal, Tanzania, Nam Phi, Niger và Sudan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục