Chạy đua thời gian giải phóng mặt bằng Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh

Với mục tiêu bàn giao 80% mặt bằng cho chủ đầu tư trước 30/6, Thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng và kế hoạch tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng.
Công tác chi trả tiền bối thường giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 được thực hiện từ đầu tháng 5/2023. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có dự án Vành đai 3 đi qua dài nhất với khoảng 47km.

Để thực hiện dự án, thành phố đã gấp rút triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng và kế hoạch tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng.

Quốc hội, Chính phủ giao trước 30/6 năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh phải bàn giao 70% mặt bằng để khởi công dự án, nhưng địa phương quyết tâm nhiều hơn thế, với mục tiêu bàn giao 80% mặt bằng cho chủ đầu tư.

Bài 1: Chạy đua tiến độ

Đầu tháng 5/2023, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và thành phố Thủ Đức đã bắt đầu chi tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Để có được thành quả này, các địa phương đã chạy đua với thời gian, gấp rút hoàn thành các thủ tục trong thời gian ngắn.

Dồn lực

Ngày 16/6/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành Đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 15/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội. Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

[Sẵn sàng vật liệu để khởi công dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh]

Dự án có tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,34km, đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh dài khoảng 47,51km, dự án đi qua thành phố Thủ Đức (phường Long Trường, Trường Thạnh, Long Thạnh Mỹ, Long Bình); huyện Củ Chi (xã Bình Mỹ, Tân Thạnh Đông); huyện Hóc Môn (xã Tân Hiệp, Tân Thới Nhì, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng); huyện Bình Chánh (xã Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, Bình Lợi).

Với định hướng đó, sở ngành và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi, thành phố Thủ Đức đã chỉ đạo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại cơ sở.

Sở Tài nguyên và Môi trường cùng 4 địa phương có dự án đi qua đã ký kết giao ước thi đua để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trực tiếp thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ngay sau khi giao ước thi đua được ký kết, thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đã vận động người dân có đất bị ảnh hưởng dự án đồng thuận ủng hộ chủ trương, cho phép đo đạc, kiểm đếm trước khi ban hành thông báo thu hồi đất.

Tranh thủ kết quả đồng thuận của người dân, 4 địa phương đã đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đến nay đã hoàn thành.

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Cuối tháng 4 vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Vành đai 3 qua địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Sau đó, các địa phương đã ban hành các quyết định thu hồi đất, đến nay đạt tỷ lệ hơn 72% tổng diện tích đất cần thu hồi.

Trong những ngày đầu tháng 5, các tổ vận động đã triển khai các quyết định thu hồi đất, chính sách cũng như phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đến từng hộ dân, đồng thời vận động người dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Những ngày sau đó, lần lượt huyện Củ Chi, Hóc Môn, thành phố Thủ Đức, Bình Chánh đã tiến hành chi trả tiền bồi thường cho người dân.

Tại thành phố Thủ Đức, dự án có chiều dài 14,75km, gồm cấu phần 1A với 72 trường hợp bị giải tỏa và cấu phần 1B, 2B với 556 trường hợp bị giải tỏa.

Cuối năm 2022, Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch giai đoạn 1, thuộc đường Vành đai 3 với diện tích đất thu hồi 35,72ha.

Trong khi với cầu phần 1B, 2B, hiện địa phương đã bắt đầu chi trả bồi thường cho người dân.

Với huyện Hóc Môn, trong đợt đầu tiên này, huyện chi khoảng 500 tỷ đồng tiền bồi thường cho khoảng 120 hộ đã đồng thuận với phương án bồi thường.

Những người dân đến nhận tiền chi trả đều được cán bộ địa phương và nhân viên ngân hàng hướng dẫn đầy đủ các thủ tục, mở tài khoản để nhận tiền thuận lợi.

Theo ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hóc Môn, nhiều bà con đã nhận được tiền chi trả với tinh thần rất phấn khởi.

Huyện cũng sẽ tiếp tục vận động người dân đồng thuận, để sớm hoàn thành chi trả cho những người đồng thuận ngay trong tháng 5 này.

Từ nay đến 15/6, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến giải ngân 8.800 tỷ đồng cho việc bồi thường và 2.000 tỷ đồng trong xây lắp.

Tính đến 11/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển kinh phí bồi thường đợt 1 cho các địa phương với số tiền hơn 5.624 tỷ đồng.

Người dân đồng thuận

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự án Vành đai 3 có diện tích đất chiếm dụng là 410ha với 1.738 hộ bị ảnh hưởng; dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 18.906 tỷ đồng.

Một trong những thuận lợi của việc giải phóng mặt bằng dự án là mức giá đền bù cao hơn so với các dự án trước đây và sát với giá thị trường.

Tại thành phố Thủ Đức, giá đền bù cao nhất là đường Nguyễn Duy Trinh tại vị trí 1 là 73,3 triệu đồng/m2, vị trí 2 là 51,1 triệu đồng/m2.

Trên đường Nguyễn Xiển, vị trí 1 là gần 70 triệu đồng/m2, vị trí 2 là 52,5 triệu đồng/m2.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ cho biết so sánh giá bồi thường và tái định cư lần này thì có sự thuận lợi rất lớn cho người dân bị thu hồi đất. Người dân có thể nhận bồi thường, mua nền tái định cư, sau đó vẫn còn 1 phần chi phí để xây dựng nhà ở.

Tại huyện Hóc Môn, tùy theo vị trí đất, giá đền bù cao nhất thuộc vị trí 1 đường Nguyễn Văn Bứa với giá đất bồi thường gần 35,6 triệu đồng/m2, vị trí 1 Quốc lộ 22 là 33,1 triệu đồng/m2.

Khu vực huyện Củ Chi, giá đền bù cao nhất là trên 19 triệu đồng. Huyện Bình Chánh, giá đất đền bù cao nhất là tại vị trí 1 đường Trần Văn Giàu với mức 42,69 triệu đồng/m2.

Theo ông Lôi Đại Phong, Trưởng Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, trước đây việc chi tiền bồi thường là tại ngân hàng, nhưng theo chủ trương mới của thành phố là hạn chế chi tiền mặt.

Huyện chủ động phối hợp với ngân hàng mở tài khoản cho người dân để bà con nhận tiền nhanh nhất. Kho bạc cũng sẽ duyệt chi ngay trong ngày, thay vì phải 2 ngày như trước đây.

Chính sách bồi thường với mức giá hợp lý, sự đồng thuận về chủ trương của đa số người dân giúp các địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, để có được thành quả bước đầu, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã linh hoạt trong việc triển khai để đáp ứng yêu cầu thực tiễn./.

Bài 2: Mô hình kiểu mẫu

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục