Ít nhất hai nhân viên lâm nghiệp đã thiệt mạng và một người khác bị thương tại Bulgaria trong ngày 4/8, khi họ đang nỗ lực ngăn chặn các đám cháy rừng vốn đang lan rộng ra trên cả nước.
Theo Bộ Nội vụ Bulgaria, hai nạn nhân thiệt mạng trong đám cháy rừng gần một ngôi làng ở khu vực Sandanski, miền Tây Nam nước này kể từ sáng sớm 4/8.
Trong khi đó một đám cháy rừng khác ở vùng Starosel, miền Trung Bulgaria, cũng đã thiêu trụi bốn ngôi nhà của một ngôi làng gần đó, khiến quân đội phải cử một trực thăng đến hỗ trợ lực lượng cứu hỏa địa phương.
Một trực thăng khác cùng các phương tiện quân sự và lực lượng cứu hỏa cũng đang phải nỗ lực dập tắt đám cháy lớn ở chân núi Stara Planina thuộc khu vực Karlovo, miền Trung Bulgaria từ ngày 3/8.
Cháy rừng còn xảy ra ở khu vực Kyustendul, miền Tây nước này, kể từ đầu tuần, thiêu trụi ít nhất sáu ngôi nhà và một trường học cũ gần đó.
Bulgaria trải qua một đợt nắng nóng trong tuần qua với nhiệt độ dao động ở mức 40 độ C trong nhiều ngày và cơ quan khí tượng đã phải ban bố cảnh báo đỏ về tình trạng nắng nóng nguy hiểm xảy ra ở hầu hết các khu vực trên cả nước.
Theo lực lượng cứu hỏa, các đám cháy đã tăng gấp đôi lên 200-240 vụ mỗi ngày trong những ngày qua, trong đó đến 93% bắt nguồn từ hoạt động của con người, và lây lan nhanh trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô và gió.
[Thổ Nhĩ Kỳ sơ tán ở nhà máy nhiệt điện tại Milas do cháy rừng]
Các nước láng giềng như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Macedonia cũng đang vật lộn với các đám cháy rừng lớn trong những ngày qua. Các chuyên gia cảnh báo biến đổi khí hậu đang làm gia tăng cả về tần suất và cường độ của những đám cháy rừng đó.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Tayyip Erdogan ngày 4/8 nhận định nước này đang phải hứng chịu đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử khi ngọn lửa đã lan đến một nhà máy nhiệt điện ở miền Tây Nam nước này sau khi đã thiêu trụi các vùng rừng ven biển.
Do nhiệt độ cao, gió mạnh và khô, các đám cháy rừng càng bùng lên dữ dội, buộc hàng nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ cùng du khách nước ngoài phải rời khỏi nhà và những khách sạn gần bờ biển Aegean và Địa Trung Hải.
Ít nhất tám người đã thiệt mạng do cháy rừng kể từ tuần trước. Nhiều máy bay và trực thăng đã được huy động để hỗ trợ lực lượng cứu hỏa. Đến nay, hơn một tuần sau khi các đám cháy rừng đầu tiên bùng phát, 16 đám cháy vẫn đang hoành hành ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo cơ quan cứu hỏa châu Âu, diện tích các đám cháy rừng trong hai tuần qua ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lớn hơn gấp ba lần diện tích rừng bị cháy trung bình hàng năm. Hiện các máy bay chữa cháy của Tây Ban Nha và Croatia đã tham gia cùng các đội chữa cháy của Nga, Iran, Ukraine và Azerbaijan giúp Thổ Nhĩ Kỳ dập lửa sau khi nước này đề nghị sự hỗ trợ của châu Âu.
Trong khi đó, tại Hy Lạp, trong 24 giờ qua, 114 đám cháy rừng đã bùng phát khiến giới chức địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực Varybobi và Acharnes ở phía Bắc Athens.
Đám cháy lớn nhất xảy ra trên đảo Evia trong khi hỏa hoạn cũng đã hoành hành ở Messinia thuộc Peloponnese và Chalkidiki, miền Bắc Hy Lạp. Hàng trăm người đã phải đi sơ tán khỏi hơn 10 ngôi làng trên đảo Evia sau khi ít nhất 150 ngôi nhà tại đây bị thiêu trụi.
Lực lượng cứu hỏa cho rằng đám cháy trên đảo Evia rất khó kiểm soát do địa hình đồi núi với tầm nhìn hạn chế. Khoảng 100 lính cứu hỏa với sự hỗ trợ của bảy trực thăng và máy bay đang tham gia hoạt động cứu hỏa tại đây. Nhà chức trách cho biết ba lính cứu hỏa đã bị thương.
Một cơ quan khí tượng của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng Địa Trung Hải đã trở thành điểm nóng cháy rừng hiện nay khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp vẫn đang vật lộn với các đám cháy rừng lớn. Các đám cháy xảy ra khi khu vực Nam Âu trải qua một đợt nắng nóng gay gắt.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng ô nhiễm không khí từ các đám cháy rừng có thể gây bệnh tim mạch và ung thư phổi./.