Thông tin từ Ủy ban Nhân dân các thành phố Hạ Long và Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), ngày 4/6 trên địa bàn hai địa phương này xảy ra cháy rừng khiến hai người dân tử vong.
Cụ thể, vào khoảng 2h ngày 4/6, ông Hạng Quang Long (sinh năm 1971, trú tại Khu 1, phường Việt Hưng, là chủ rừng), khi đang xử lý thực bì trên diện tích đã thu hoạch tại khoảnh 6, Tiểu khu 96A thuộc địa giới hành chính Khu 6, phường Đại Yên (giáp ranh giữa phường Đại Yên và phường Việt Hưng) để trồng lại rừng trên diện tích được giao thì xảy ra cháy.
Đến khoảng 10h10, do đám cháy có nguy cơ lan rộng, ông Hạng Quang Long đã huy động 12 người nhà và các chủ rừng giáp ranh hỗ trợ xử lý dập lửa.
Trong quá trình chữa cháy, do quá trình di chuyển trên đồi cùng với thời tiết nắng nóng nên ông Hạng Quang Long đã bị ngất và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy. Tuy nhiên đến khoảng 14h ngày 4/6, ông Hạng Quang Long đã tử vong. Sau vụ cháy, khoảng 3ha thực bì bị thiêu rụi.
[Quảng Ninh khẩn trương khắc phục sự cố đường dây 110kV do cháy rừng]
Tại thành phố Uông Bí, vào khoảng 12h30 ngày 4/6, ở Lô 25A, khoảnh 7, tiểu khu 41A (rừng thuộc phạm vi quản lý của gia đình ông Hoàng Công Tính và ông Vũ Văn Sỹ) trên địa bàn phường Phương Đông xảy ra cháy. Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, Ủy ban Nhân dân phường Phương Đông đã huy động lực lượng để dập lửa.
Tuy nhiên đến khoảng 13h30, Ủy ban Nhân dân phường rà soát phát hiện anh Hoàng Anh Tuấn (sinh năm 1981, thường trú tại số 03, ngõ 24, khu 3, phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long) tử vong ở khu vực đồi đối diện đám cháy. Chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi gia đình nạn nhân. Nguyên nhân và thiệt hại của các vụ cháy đang được cơ quan chức năng địa phương điều tra làm rõ.
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy cao, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên đốt thực bì vào sáng sớm để có thể kịp thời xử lý sự cố xảy ra; khi nhiệt độ ngoài trời quá cao không nên đốt thực bì. Cùng với đó người dân cần lưu ý đốt từ trên xuống dưới, hạn chế bị ngạt khói hơn so với đốt từ dưới lên.
Trước khi đốt, người dân phải làm đường băng cản lửa bao quanh; chỉ được đốt lúc gió nhẹ và phải bố trí người canh gác, không được để cháy lan và phải dập tắt hết tàn lửa sau khi đốt.
Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải huy động ngay lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy rừng; đồng thời báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ nếu có nguy cơ cháy lớn, tránh để xảy ra hậu quả đau lòng./.