Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo ngày 21/8 cho biết một căn bệnh sốt xuất huyết chưa rõ nguồn gốc đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 13 người dân ở miền Tây Bắc nước này từ ngày 11/8.
Toàn bộ bệnh nhân đều có các triệu chứng sốt, nôn, tiêu chảy và trước khi tử vong đều bị nôn ra dịch đen.
Theo quan chức trên, khoảng 80 người có tiếp xúc với các bệnh nhân trên đã phải nhập viện.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra báo cáo khẳng định 70 người tử vong tại miền Bắc nước này do xuất huyết dạ dày không có liên quan đến virus Ebola.
70 người trên nằm trong số 592 người đã nhiễm căn bệnh này. Trong số người tử vong có 5 nhân viên y tế và một bác sỹ.
Căn bệnh trên bùng phát từ một tỉnh Equateur hẻo lánh, nơi có nhiều rừng nhiệt đới và cũng là nơi phát hiện ca nhiễm Ebola đầu tiên năm 1976.
Triệu chứng của bệnh xuất huyết dạ dày và bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra khá giống nhau, gồm nôn, tiêu chảy và chảy máu trong.
Nhưng tỷ lệ tử vong do xuất huyết dạ dày là khoảng 12% người nhiễm bệnh, thấp hơn nhiều so với sốt xuất huyết Ebola ở khu vực Tây Phi hiện nay (60%).
Liên quan đến sự lây lan của virus Ebola, ngày 21/8, thêm nhiều nước đóng cửa biên giới với các quốc gia Tây Phi có dịch. Bộ Nội vụ Senegal cho biết nước này đã đóng cửa biên giới với Guinea từ ngày 21/8, chỉ sau hơn 3 tháng Senegal mở lại biên giới Guinea.
Theo tuyên bố, lệnh đóng cửa biên giới này được áp dụng cả với biên giới trên không và trên biển đối với tất cả máy bay và tàu biển đến từ Guinea, Sierra Leone và Liberia.
Cùng ngày, Chính phủ Chad cũng thông báo đóng cửa biên giới với Nigeria tại Hồ Chad vì "yêu cầu cấp thiết đối với sức khỏe cộng đồng."
Khu vực Hồ Chad là điểm qua lại duy nhất giữa hai quốc gia và đã trở thành cửa ngõ duy nhất của Nigeria với thế giới sau khi Cameroon đóng cửa biên giới với Nigeria cách đây 3 ngày do quan ngại dịch bệnh Ebola.
Trong phản ứng của mình, chính phủ Zimbabwe thông báo thiết lập các cổng y tế tại các cửa khẩu biên giới trên bộ và tại các sân bay để kiểm tra du khách vào nước này và tiến hành cách ly những người bị nghi nhiễm virus Ebola. Hiện chưa có trường hợp nào nhiễm Ebola được phát hiện tại Zimbabwe.
Trong khi đó, Chính phủ Kenya cho biết đã cung cấp cho tất cả các nhân viên y tế tại các cửa khẩu những bản hướng dẫn giám sát nghiêm ngặt virus Ebola. Trước đó, Kenya đã thông báo tạm ngừng các chuyến bay từ Liberia, Guinea và Sierra Leone.
Gambia, một nước Tây Phi không có chung đường biên giới với các nước bị nhiễm virus Ebola, cũng đã đưa ra cảnh báo cao trước nguy cơ virus chết người này xâm nhập và áp dụng các biện pháp đề phòng như đo nhiệt độ hành khách và hỏi lịch trình di chuyển...
Trong một diễn biến khác, nội các Nam Phi đã nhất trí chi 32,5 triệu rand (khoảng 3 triệu USD) để phòng tránh lây lan virus Ebola tới Nam Phi và các nước khác. Số tiền này sẽ được trích từ Quỹ Phục hưng châu Phi theo đề nghị của Bộ Y tế Nam Phi.
Một phần của khoản chi trên sẽ được dùng để lắp đặt phòng thí nghiệm di động tại Sierra Leone với sự tham gia của một chuyên gia an toàn sinh học và 3 nhân viên thí nghiệm, tài trợ tiền đi lại và ăn ở cho nhóm thí nghiệm và huấn luyện các nhân viên chăm sóc y tế. Nam Phi được đánh giá là một trung tâm xuất sắc về huấn luyện, thí nghiệm và chẩn đoán lâm sàng trong khu vực.
Cùng ngày, chính phủ Scotland cũng thông báo sẽ cung cấp một quỹ khẩn cấp trị giá 500.000 bảng Anh (khoảng 830.000 USD) để giúp cuộc chống Ebola ở Tây Phi. Quỹ này sẽ được trao cho WHO, Ủy ban cứu nạn quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và hỗ trợ các nỗ lực chăm sóc đặc biệt, cải thiện giám sát và phát hiện bệnh...
Dự kiến, WHO sẽ tổ chức một hội nghị tham vấn về các liệu pháp chữa trị bệnh do virus Ebola gây ra cũng như các loại vắcxin phòng.
Hội nghị sẽ diễn ra tại trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 4-5/9 tới và quy tụ hơn 100 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, từ nghiêm cứu dược phẩm đến các chuyên gia về pháp lý./.