Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là câu chuyện không mới và dường như chưa có hồi kết.
Nhìn lại thời điểm 5-6 năm về trước, thị trường vàng liên tiếp “lên cơn sốt”. Người dân đổ xô đi giao dịch vàng bất chấp có thời điểm giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới tới trên 4 triệu đồng/lượng. Và khi ấy, câu chuyện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được bàn luận khá sôi nổi.
Thời điểm ấy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phải “lên tiếng” rằng có một sự hiểu nhầm giữa khái niệm ổn định giá với khái niệm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Một trong những nội dung bình ổn thị trường, đó là làm sao bình ổn giá cả.
Tuy nhiên, khái niệm bình ổn một thị trường nói chung và bình ổn thị trường vàng nói riêng bao gồm nhiều nội dung khác nhau. Để có một thị trường hoạt động lành mạnh, cần có một cơ chế chính sách bảo đảm cho các bên tham gia thị trường được hoạt động công khai, minh bạch, để giá cả trên thị trường không bị thao túng, không bị lũng đoạn.
Về mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn rất cao, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khi ấy cho biết trong các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đã nêu rõ mục tiêu là ổn định thị trường, chứ chưa phải là mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Điều đó xuất phát từ chính lý luận về tiền tệ, cũng như thực tiễn trong thời gian qua.
Theo nhận định của giới phân tích, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cao hay thấp không còn là vấn đề đáng lo ngại. Thậm chí, giá vàng trong nước càng đắt hơn giá thế giới thì người dân càng “ngại” tích trữ vàng và như thế độ hấp dẫn của vàng càng giảm.
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế phân tích, nếu nhìn xuyên suốt năm 2016, giá vàng không phải là cơ hội đầu tư và vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn khi mà xu thế chủ đạo của năm vẫn là giảm. Đây cũng là năm thị trường vàng trong nước diễn ra tương đối ổn định và nhà điều hành không có quyết định nào nhập khẩu thêm vàng vào thị trường mà đều sử dụng cân đối cung cầu.
Diễn biến giá vàng trong nước nhiều khi không theo diễn biến giá thế giới và thậm chí có thời điểm lội ngược dòng. Cuối năm 2016 có hiện tượng lặp lại, đó là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khá cao, có thời điểm lên tới trên 5 triệu đồng/lượng.
Bên cạnh đó, ông Vũ Đình Ánh cũng nhìn nhận, một số dự báo về giá vàng vào thời điểm cuối năm 2016 đã sai. Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiều dự báo cho rằng giá vàng sẽ tăng và sẽ tiếp tục đà tăng trong năm 2017. Tuy nhiên, thực tế sau kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giá vàng không những không tăng mà còn giảm.
“Như vậy, có thể thấy thị trường thế giới không hấp dẫn đầu tư và bản thân diễn biến trên của thị trường vàng trong nước khiến cho vàng không hấp dẫn và rất khó tìm kiếm lợi nhuận”, tiến sỹ Vũ Đình Ánh nói.
Thực tế, từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tập trung và quyết liệt, thậm chí chịu nhiều áp lực dư luận trong quá trình lập lại trật tự thị trường vàng, giảm thiểu lực hấp dẫn đối với kim loại quý này. Thực tế cũng cho thấy, vàng đã kém hấp dẫn và không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng mỗi khi thị trường có biến động.
Theo nhiều chuyên gia, trong năm 2017, vàng tiếp tục chứng tỏ là kênh đầu tư nhiều rủi ro và không còn là kênh đầu tư hấp dẫn. Tiến sỹ Vũ Đình Ánh nhận định, xu thế hấp dẫn của vàng trong năm 2017 cũng sẽ tương tự như năm 2016, thậm chí có những yếu tố còn làm cho vàng kém hấp dẫn hơn xuất phát từ yếu tố thị trường quốc tế cũng như chính sách quản lý thị trường vàng trong nước.
Nhìn lại tuần qua, giá vàng trong nước diễn biến tăng giảm tích cực. Kim loại quý có thời điểm chạm ngưỡng cao nhất 37,05 triệu đồng mỗi lượng mua vào và 37,50 triệu đồng mỗi lượng bán ra. Tuy nhiên, càng về phiên cuối tuần xu hướng giảm lại chiếm chủ đạo. Tính riêng trong tuần qua mỗi lượng vàng điều chỉnh giảm hơn 400 nghìn đồng.
Giới kinh doanh vàng cho biết, ở những phiên đầu tuần trước, thị trường vàng trong nước ghi nhận lượng khách tham gia giao dịch chủ yếu mua vàng cầu may dịp ngày Thần Tài. Cầu cho một năm tài lộc, sung túc vào ngày mồng 10 tháng Giêng dường như đã trở thành nét đẹp tâm linh tín ngưỡng và ít ai để ý đến giá cả.
Thời điểm này, dù giá vàng thế giới có những biến động tăng giảm và giá vàng trong nước biến động mạnh nhưng không ảnh hưởng nhiều đến việc mua vàng của người dân, bởi mỗi khách thường chỉ mua 1 chỉ cầu may, không phải để đầu tư cho nên hầu như khách không quan tâm nhiều về giá.
Tuy nhiên càng đi vào các phiên tiếp theo trong tuần, thị trường vàng không ghi nhận thêm những giao dịch lớn. Có thể thấy giá vàng nội hiện vẫn chưa có đủ lực để dẫn dắt thị trường giao dịch linh hoạt, sôi động hơn. Thay vào đó hầu hết các giao dịch trong tuần rất thưa thớt chỉ mang tính chất tham khảo và chờ đợi cơ hội.
Từ đầu tuần đến nay, giá vàng trong nước trong xu hướng giảm và giao dịch dưới ngưỡng 37 triệu đồng/lượng. Thị trường vẫn tiếp tục được giới kinh doanh vàng đánh giá là ảm đạm. Giá vàng SJC được giao dịch quanh mức 36,63-36,93 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 3,3 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và phí)./.