Chỉ 12% dân số thế giới sống trong không khí đạt chuẩn

Chỉ có 12% dân số trong số 1.600 thành phố thuộc 91 quốc gia và vùng lãnh thổ được sống trong bầu không khí đạt các tiêu chuẩn quy định của WHO.
Chỉ 12% dân số thế giới sống trong không khí đạt chuẩn ảnh 1Ô nhiễm không khí tiếp tục là mối đe dọa đối với thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 7/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra báo cáo bày tỏ lo ngại trước thực trạng chất lượng không khí tại các thành phố trên toàn thế giới đang ngày càng xấu đi, vượt quá mức độ cho phép về độ ô nhiễm và gây tác động xấu tới sức khỏe con người.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn số liệu kiểm định chất lượng không khí của WHO tại 1.600 thành phố thuộc 91 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tất cả các châu lục cho thấy chỉ có 12% dân số ở những nơi này được sống trong bầu không khí đạt các tiêu chuẩn quy định của WHO.

Số còn lại phải sống ở những nơi có không khí ô nhiễm nặng nề, khiến họ thường xuyên mắc các bệnh về hô hấp và các trọng bệnh khác.

Theo thống kê của WHO, chỉ tính riêng trong năm 2012, trên toàn thế giới có 3,7 triệu người dưới 60 tuổi vì mắc các bệnh do ô nhiễm không khí gây ra.

So với những năm trước đây, chất lượng không khí tại tất cả các thành phố trên thế giới đều đang "xuống dốc" và đương nhiên, điều đó khiến cho số nạn nhân tiếp tục tăng lên.

Lý do được WHO đưa ra để lý giải cho tình trạng này là khí thải từ các phương tiện giao thông vận tải ở đô thị ngày càng tăng.

Việc xây dựng thêm quá nhiều chung cư, công sở, kéo theo lượng cư dân tăng vọt, gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng và tăng lượng rác thải cũng là những nhân tố gây ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, lượng khí phát thải từ các cơ sở công nghiệp ven đô cũng gây tác động rất lớn đến chất lượng không khí ở nội đô.

Bên cạnh các biện pháp tích cực đang được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng để cải thiện chất lượng không khí như xây dựng các khu nhà "xanh," hạn chế phương tiện giao thông trong thành phố, áp dụng các quy định cụ thể về chất lượng kỹ thuật của các loại phương tiện và chuyển đổi sử dụng từ năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng sạch.

WHO kêu gọi các nhà quản lý và giới khoa học cùng nghiên cứu đưa ra các biện pháp tích cực hơn nữa để làm trong sạch bầu không khí tại các thành phố, nơi đang được phần đông dân số thế giới chọn làm nơi sinh sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục