Kết quả khảo sát mới đây về hành vi sử dụng 3G Việt Nam năm 2014 cho thấy thống kê khá bất ngờ khi 92% người dùng đồng ý với giả định tăng giá cước 3G và chỉ 8% không chấp nhận.
Những con số này vừa được Báo Bưu điện Việt Nam và Công ty nghiên cứu thị trường Công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam thông báo ngày hôm nay (23/4) sau khi khảo sát 576 mẫu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí minh và Đà Nẵng trong năm 2014.
Theo bà Đinh Ngọc Bảo Trân, đại diện GfK Việt Nam, tỷ lệ theo bà là “khá bất ngờ” trên xuất phát từ “mức độ trung thành” của người dùng ở các thành phố trên.
Khảo sát của GfK cho thấy, ở Hà Nội, số lượng trung bình nhà mạng mà người tiêu dùng sử dụng đạt mức 1,01; trong khi ở Đà Nẵng là 1,11 và Thành phố Hồ Chí Minh là 1,19. Như vậy theo GfK Việt Nam, mặc dù người dùng biết về cả 3 nhà mạng chính là Vinaphone, Mobifone, Viettel, tuy nhiên hầu hết chỉ dùng 1 nhà mạng và gần như không chuyển đổi.
Kết quả này theo GfK có thể xuất phát từ con số 93% người được hỏi sử dụng điện thoại thông minh là thiết bị dùng dịch vụ 3G.
“Đây là điều tất yếu do họ dùng 3G như một phần dịch vụ trên sim của số điện thoại chính trên điện thoại thông minh của mình,” đại diện cơ quan khảo sát nói.
Từ những kết quả trên, theo bà Đinh Ngọc Bảo Trân, chỉ có 8% khách hàng cho rằng họ sẽ không chấp nhận việc tăng giá. Còn với những người chấp nhận tăng giá, khảo sát cho thấy, 82% người dùng nhận định mức tăng giá 3G nếu có ở mức dưới 5% sẽ ít ảnh hưởng tới hành vi của họ. Nếu mức tăng giá từ 5-10%, người dùng cho thấy vẫn tiếp tục sử dụng nhà mạng hiện tại và sẽ tìm gói cước rẻ hơn.
Chỉ với giả định mức tăng giá trên 10%, người dùng mới quyết định sẽ đi tìm nhà cung cấp mới.
Khẳng định sự khách quan của số liệu thống kê, bà Trân cho hay, lý do công ty khảo sát thực hiện trường hợp giả định mà không dựa vào đợt tăng giá cước 3G năm 2013 là do đợt tăng giá trước “diễn ra đã lâu nên không có giá trị sử dụng.”
Về mức độ hài lòng với dịch vụ 3G của các nhà mạng, kết quả khảo sát mới nhất cũng cho thấy người dùng chấm điểm trung bình cho dịch vụ này lên tới điểm trung bình 8,05/10.
Mức độ hài lòng khá cao này đặt ra không ít nghi vấn với những người tham gia cuộc họp báo công bố kết quả khảo sát vừa tổ chức. Tuy nhiên, đại diện GfK khẳng định, đây là những số điểm người dùng tự đánh giá theo thang điểm từ thấp tới cao.
Không nghi ngờ tính khách quan của cơ quan tổ chức khảo sát nhưng Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng, tính chính xác còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Theo ông, 3 thành phố được chọn không đại diện cho nhiều vùng miền và những khu vực vùng sâu vùng xa sẽ khác với thành phố lớn.
Bởi vậy, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh, những con số vừa cung cấp chỉ là một kênh thông tin để giúp cơ quan chức năng, các nhà mạng tìm hiểu thị trường./.