Dù giá trị sản xuất công nghiệp Việt Nam sau 10 năm qua tăng cao gần 3,5 lần, với tỷ trọng đóng góp vào GDP duy trì ổn định khoảng 31 - 32% nhưng trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang có xu hướng chậm lại.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, từ trung bình 14,3%/năm của giai đoạn 2006 - 2010 tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đã giảm xuống 10%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp.
Đáng chú ý, năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị bỏ xa so với các nước phát triển và các nước trong khu vực. Trong đó, năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Trung Quốc cao gấp 2 lần.
Để hiểu rõ hơn bức tranh của ngành công nghiệp Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã có một số chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo quốc gia "Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017-2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững" do Bộ Công Thương phối hợp với dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Mutrap) tổ chức ngày 31/6, tại Hà Nội.
- Thưa bà, bà có thể đánh giá về những tồn tại của ngành công nghiệp Việt Nam trong thời gian qua?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh: Trong thời gian qua, công nghiệp vẫn là ngành đóng góp nhiều cho tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành này có xu hướng chậm lại, trong khi giá trị gia tăng cũng như năng suất lao động còn thấp.
Ở đây cũng cần đặc biệt lưu ý, dù ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngành công nghiệp nói chung nhưng đây lại là ngành có năng suất lao động thấp nhất. Một số ngành khác như sản xuất điện, dù năng suất lao động cao nhưng tỷ trọng sản xuất điện trong tổng thể giá trị gia tăng của ngành công nghiệp lại nhỏ.
Bên cạnh đó, vấn đề cần phải quan tâm đến việc tăng trưởng của ngành công nghiệp thời gian qua đó là phụ thuộc nhiều vào lao động, vốn... trong khi đóng góp về công nghệ vẫn còn thấp.
Do vậy, để có năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cao hơn thì tới đây một nhiệm vụ của tái cơ cấu là phải tăng được hàm lượng công nghệ qua đó có thể tăng năng suất của ngành công nghiệp.
- Chúng ta hay nói nhiều đến giá trị gia tăng, vậy giải pháp đưa ra cần tập trung vào đâu để tạo ra những chuyển biến cho ngành này, thưa bà?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh: Mặc dù thời gian vừa qua công nghiệp đã mở rộng về quy mô, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng thấp do chúng ta chủ yếu vẫn làm gia công, lắp ráp.
Đơn cử vài năm trở lại đây, ngành điện tử có tốc độ tăng trưởng rất mạnh, đóng góp nhiều cho ngành công nghiệp. Nhưng có thể thấy, dù ngành này chủ yếu xuất khẩu với quy mô lớn nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng vẫn chưa cao.
Nguyên nhân là do nguồn đầu vào chủ yếu nhập khẩu, bản chất vẫn là gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng tạo ra ở trong nước còn thấp.
Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không tiếp tục phát triển, bởi lẽ dù tỷ trọng giá trị gia tăng thấp nhưng vẫn có thể mở rộng được quy mô và giá trị tuyệt đối vẫn tăng lên, do vậy thời gian tới đây theo tôi một mặt cần tiếp tục xu hướng mở rộng sản xuất nhưng đồng thời phải đi vào chiều sâu nhiều hơn.
- Chúng ta đang phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào, vậy định hướng cho công nghiệp phụ trợ ra sao thưa bà?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh: Theo tôi chỉ nên tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ cho một số ngành, lĩnh vực cụ thể mà không nên dàn trải.
Ví dụ, Việt Nam chỉ nên đầu tư vào công nghiệp phụ trợ cho những ngành có quy mô kinh tế lớn như công nghiệp điện tử vì dung lượng thị trường khá lớn, hơn nữa các điều kiện để phát triển cũng gần như đầy đủ và chỉ thiếu một chút đó là năng lực của doanh nghiệp trong nước.
Có thể thấy, Samsung đã có yêu cầu là liên kết với các doanh nghiệp của Việt Nam. Bởi Samsung sản xuất sản phẩm cuối cùng nên họ muốn có sản phẩm trung gian và nguồn có thể từ nhập khẩu hoặc trong nước.
Mặc dù Việt Nam không thể cung cấp hết các sản phẩm nhưng có thể tham gia một số công đoạn hoặc linh kiện nào đó. Do vậy, doanh nghiệp của Việt Nam phải đủ điều kiện năng lực để tiếp thu được yêu cầu của SamSung.
Ở đây, vài trò của nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cách tốt nhất là đào tạo hoặc xây dựng các tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu đưa ra.
Bên cạnh đó, nhà nước cần có cách nào đó để Samsung có cam kết liên kết với doanh nghiệp trong nước để Samsung khi đầu tư vừa phát triển được sản phẩm của họ đồng thời kéo theo được phát triển trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa lên.
- Xin cảm ơn bà./.