Chỉ số giá tiêu dùng bình quân trong năm 2017 tăng 3,53%

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tăng 0,21% so với tháng 11 và tăng 2,6% so với tháng 12 năm ngoái, như vậy CPI bình quân cả năm 2017 tăng 3,53% và đạt mức chỉ tiêu của đề ra trước đó.
Chỉ số giá điện sinh hoạt đã tăng 0,62% trong tháng 12/2017. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,21% so với tháng 11 và tăng 2,6% so với tháng 12 năm ngoái. Như vậy, CPI bình quân cả năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016, số liệu vừa được công bố bởi Tổng cục Thống kê ngày 27/12.


[Bộ Tài chính cảnh báo hiện tượng tăng giá dây chuyền cuối năm]

Trong tháng này, chỉ số giá của 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng. Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 2,55%, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03%. Bên cạnh đó, chỉ số giá tại nhóm giáo dục không đổi, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,23%, bưu chính viễn thông giảm 0,03%.


Giá điện sinh hoạt tăng 0,62%

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá chỉ ra một số nguyên nhân tác động tăng chỉ số CPI của tháng. Cụ thể, giá điện sinh hoạt đã tăng 0,62% do giá điện điều chỉnh tăng 6,08% (từ 1/12/2017) cộng thêm nhu cầu sử dụng điện tăng khi thời tiết chuyển lạnh.

Một yếu tố khác quan khác góp làm tăng CPI chung 0,09%. Đó là việc giá xăng, dầu diezel tăng hai đợt khiến chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tháng 12 tăng 1,98%.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế tại 15 tỉnh, thành phố đã làm cho nhóm giá này tăng 3,3%.

Hiện là thời điểm cuối năm, nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng cao khiến giá vật liệu nhích lên 0,31%, đi cùng với đó giá dịch vụ sửa chữa nhà cũng lên 0,82%. Ngoài ra, giá vé tàu hỏa tăng 2,76% do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé đón dịp Tết Dương lịch 2018.

Giá vàng và tỷ giá biến động trái chiều

Trong nước, chỉ số giá vàng giảm 0,12% so với tháng trước, dao động quanh mức 3.640 triệu đồng/chỉ vàng SJC. Bà Ngọc cho biết, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng thế giới ở mức 1261,8 USD/ounce giảm 1,7% (bình quân đến ngày 20/12).

Bà Ngọc phân tích, nguyên nhân USD có xu hướng mạnh lên là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản 0,25% từ mức 1,25% lên 1,5% từ mức 1,25% (ngày 13/12). Bên cạnh đó, FED cũng thông báo sẽ thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán mỗi tháng 20 tỷ USD bắt đầu từ tháng 1/2018 (từ mức 10 tỷ USD/tháng hiện tại) do kinh tế Mỹ tăng trưởng khá ấn tượng dự báo tăng 2,2% (năm 2017) và tỷ lệ thất nghiệp đang về mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại.

"Tuy nhiên tỷ giá trong nước chỉ tăng 0,02% là bởi  hoạt động điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với lượng kiều hối đạt khoảng 13,8 tỷ USD (ước tăng 16% so với năm 2016) đã giúp cho tỷ giá giữ ở mức ổn định, giá bình quân ở thị trường tự do quanh khu vực 22.700 VND/USD," bà Ngọc nói.



Đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát

Năm 2017 là năm kỷ lục về số lượng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông (16 cơn bão và 4 đợt áp thấp nhiệt đới). Trong đó, cơn bão số 12 (Damrey) gây thiệt hại to lớn về con người và vật chất tại các tỉnh miền Trung, khiến cho chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm tại các tỉnh này có mức tăng trong tháng 11 cao hơn nhiều so các tỉnh khác trong cả nước, cụ thể tỉnh Phú Yên tăng 1,62%, Ninh Thuận tăng 1,51%, Khánh Hòa tăng 1,05%, Quảng Ngãi tăng 0,98%, Bình Định tăng 0,74%, Quảng Nam tăng 0,72%, Thừa Thiên Huế tăng 0,7%, Đà Nẵng tăng 0,48%.

“Song mức CPI bình quân cả năm tăng 3,53% và tăng 2,6% so với tháng 12 năm 2016, mục tiêu kiểm soát lạm phát và giữ mức CPI bình quân dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2017,” bà Ngọc nhấn mạnh.

Theo báo cáo thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) chỉ tăng 0,11% so với tháng 11 và tăng 1,29% so với cùng kỳ; năm 2017 so năm 2016 tăng 1,41%.

Về điều này, Bà Ngọc phân tích, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao. Cụ thể là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.

“Như vậy, bình quân năm 2017 lạm phát cơ bản là 1,41% và thấp hơn mức kế hoạch 1,6%-1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định,” bà Ngọc nói./.

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,5% - 6,8 (Nguồn: Vnews)%
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục