Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Hai tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 1,27% so với cùng kỳ và tăng 0,42% so với tháng 12 năm 2015. Như vậy, CPI bình quân hai tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước đã tăng 1,03%.
Thông tin trên được công bố từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 24/1.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có tám nhóm tăng giá, tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,98%, tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%.
Ba nhóm hàng có giá giảm là nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,41%), giao thông (-3,96%) và bưu chính viễn thông (-0,16%).
Nhu cầu gia tăng trong dịp Tết
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê chỉ ra các nguyên nhân làm tăng chỉ số giá tiêu dùng là do trong tháng Tết Nguyên đán nhu cầu gia tăng khiến giá một số mặt hàng phục vụ Tết tăng giá.
Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,66% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, bên cạnh đó các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippine.
Thêm vào đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng khá cao do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm phục vụ Tết tăng cao như thịt lợn, thịt bò, hải sản tươi sống với mức tăng từ 0,2% đến 0,4%. Đặc biệt trong tháng, giá rau xanh tăng cao ở các tỉnh phía Bắc do nguồn cung hạn chế bị ảnh hưởng bởi thời tiết trước Tết rét đậm, rét hại trên toàn miền Bắc.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng phục vụ Tết tăng nên giá các mặt hàng về đồ uống, thuốc lá tăng từ 0,5% đến 2% đồng thời giá một số mặt hàng quần áo, giầy dép phục vụ Thu Đông cũng tăng từ 0,2% đến 0,8%.
Đáng chú ý, bà Ngọc cũng cho biết, giá dịch vụ giao thông công cộng đã tăng 3,45% do một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách (trước Tết là chiều từ Nam ra Bắc và từ thành phố về nông thôn, sau Tết là chiều ngược lại) từ 20% - 60% so với giá vé bán ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều vắng khách.
Bên cạnh đó, việc thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ tại một số tỉnh đã tác động tới chỉ số giá nhóm giáo dục, tăng 0,26%.
Xăng và gas tiếp tục giảm
Trong tháng, giá xăng tiếp tục giảm 1.320 đồng/lít, dầu diezezen giảm 1.530 đồng/lít (19/1 và ngày 3/2) đã làm cho chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm mạnh 8,81% so với tháng Một, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,39%. Trên thị trường thế giới giá gas giảm, kéo theo giá gas trong nước đã giảm 7,25% so với tháng trước (giảm 20.500 đồng/bình 12 kg).
Trên thị trường nhu cầu về xây dựng chững lại, do vậy giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,4% chủ yếu giảm ở mặt hàng sắt thép xây dựng do giá phôi thép thế giới giảm. Cụ thể, giá thép trong nước giảm mạnh so với tháng trước, hiện giá các loại thép chỉ ở mức dưới 10.000 đồng/kg, giảm 300-400 đồng/kg.
Tỷ giá và vàng “chuyển động” trái chiều
Tháng Hai, giá vàng trong nước đã có biến động tăng cùng với giá vàng thế giới, khi trong tháng có ngày giá vàng thế giới đạt mức trên 1.230USD/ounce.
Theo bà Ngọc, giá vàng tăng chủ yếu do thị trường chứng khoán thế giới đang trên đà đi xuống và những quan ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm. Bởi, vàng thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn và nhu cầu thường tăng mạnh vào thời điểm xảy ra bất ổn tài chính.
Bình quân giá vàng trong nước dao động quanh mức 3.370.000 đồng/chỉ vàng SJC (ngày 15/2) .
Trong khi đó, trên thị trường giá USD lại giảm nhẹ, bà Ngọc chỉ ra, do nguồn tại các ngân hàng khá tốt được bù đắp từ giải ngân đầu tư và kiều hối gửi về cuối năm, giá bình quân ở thị trường tự do tháng từ 22.300 - 22.400 VND/USD.
Như vậy, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng Hai đã tăng 0,56% so với tháng Một và tăng 1,93% so với cùng kỳ năm 2015./.