Theo báo cáo kinh tế-xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020 từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu có mức tăng 0,66% so với tháng Năm, chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp và giá thịt lợn tiếp tục leo thang trong những ngày đầu của tháng. Tuy nhiên, so với với tháng 12/2019, chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu đã giảm 0,59% và đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Như vậy, bình quân 6 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đã giảm 0,78% so với cùng kỳ, điều này phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
So sánh với tháng trước, trong rổ tính CPI có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá, cụ thể nhóm giao thông tăng cao nhất với 6,05% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu (ngày 28/5 và 12/6) tăng 14,24% (tác động CPI chung tăng 0,59%). Ngoài ra, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,42%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,01%. Riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép không thay đổi.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết tính chung quý 2, CPI giảm 1,87% so với quý 1 và tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2019.
“Như vậy, lạm phát cơ bản tháng Sáu đã tăng 0,07% so với tháng Năm và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước đồng thời lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 2,81% so cùng kỳ. Việc lạm phát bình quân sáu tháng có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản phản ánh biến động giá chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: Giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu tăng,” bà Hương nói./.