Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng đầu năm 2020 giảm nhẹ

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2020 ước tính giảm 11,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng đầu năm 2020 giảm nhẹ ảnh 1Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 1/2020 ước tính giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay vào cuối tháng 1 nên số ngày làm việc ít hơn.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2020 ước tính giảm 11,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành khai khoáng giảm 12,9% (khai thác dầu thô giảm 10,7%; khai thác than giảm 18,4%); chế biến, chế tạo giảm 4,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 3,5%; riêng cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,6%.

Trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Đó là khai thác quặng kim loại tăng 34,3%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 30,2%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 15%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị tăng 11,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,1%.

[Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 tăng 8,86%]

Còn lại đa số các ngành giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa... giảm 10,4%; sản xuất thiết bị điện giảm 11,1%; sản xuất trang phục giảm 13,3%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 15,1%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 17%; khai thác than cứng và than non giảm 18,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 21%; sản xuất xe có động cơ giảm 25,2%.

Tổng cục Thống kê chỉ ra, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 1/2020 tăng so với cùng kỳ năm trước là: thép thanh, thép góc tăng 23,5%; điện thoại di động tăng 10,4% (điện thoại thông minh giảm 5,4%); phân urê tăng 4,4%; sữa tươi tăng 3,7%; alumin tăng 2,8%.

Tuy nhiên, có một số sản phẩm giảm mạnh như: dầu mỏ thô khai thác và giày dép da cùng giảm 10,7%; phân hỗn hợp NPK giảm 11,5%; quần áo mặc thường giảm 12,1%; thức ăn gia súc giảm 12,5%; tivi giảm 14%; sắt thép thô giảm 15,1%; sữa bột giảm 18,4%; than sạch giảm 18,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 18,8%; khí hóa lỏng LPG giảm 21,2%; xe máy giảm 22%; đường kính giảm 30,4%; ô tô giảm 38%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1/2020 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,1% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,5%.

Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 2,3% so với cùng thời điểm năm trước. Ngành chế biến, chế tạo tăng 2,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,3%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,2%.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.