‘Chìa khóa’ hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0

Phát triển bền vững phải dựa trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, Xã hội và Môi trường. Coi nhẹ bất cứ yếu tố nào đều khiến con đường trở nên khấp khểnh và mục tiêu Net Zero sẽ rời xa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Trương Văn Vị/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Trương Văn Vị/Vietnam+)

Theo chuyên gia tăng trưởng xanh Nguyễn Thị Thanh Nga, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ESG là cách tiếp cận mà tất cả các doanh nghiệp cần hướng tới trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tăng trưởng xanh, cũng như hướng tới mục tiêu “Net Zero” (đưa mức phát thải ròng về bằng 0) vào năm 2050.

ESG - “chìa khóa” giúp phát triển bền vững

Tại Hội thảo “Phát triển bền vững năm 2022” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 29/11, bà Nga nhấn mạnh ESG - viết tắt của môi trường, xã hội và quản trị là những yếu tố có tác động lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay.

“Với cá nhân tôi, ESG là phiên bản mới, cập nhật đầy đủ hơn, có nhiều cách tiếp cận tốt hơn của việc thực hành doanh nghiệp phát triển bền vững. Đó là xu thế mới về phát thải ròng bằng 0, thay vì thực hiện các chương trình xã hội về bảo vệ môi trường mà chúng ta đã thực hiện nhiều năm nay,” bà Nga nhấn mạnh.

Vì thế, với vai trò là cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh. Trong đó khẳng định vai trò của doanh nghiệp, tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong xu thế phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 -2025." Hiện nay, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Theo bà Nga, hiện nay 99% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì thế, việc khớp nối, tạo ra chuỗi giá trị chung giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp hàng đầu với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất quan trọng, để tạo ra chuỗi giá trị xanh, hướng tới mục tiêu cuối cùng là “Net Zero” vào năm 2050.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 như đã cam kết, Việt Nam cần phải thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả năng lượng bền vững thông qua tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu hao năng lượng trên từng sản phẩm.

“Mặc dù, ESG là ‘con đường’ mới nhưng đây là xu hướng bắt buộc, nếu chúng ta muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe trong phát triển để đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe,” bà Nga nhấn mạnh.

[Mega Story: Chuyển đổi số trên các rẫy càphê ở Tây Nguyên]

Có chung quan điểm, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng phát triển xanh, đưa phát thải ròng về 0 đã là yêu cầu bắt buộc vì tương lai xanh, sạch hơn.

“Mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ tưởng như còn xa, nhưng thật ra chỉ còn 28 năm. Do đó, cần phải thực hiện ngay, không thể chậm trễ,” ông Patrick Haverman nhấn mạnh.

Theo đại diện UNDP, trong điều kiện hạn chế về tài chính, nguồn lực, nhưng một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để tìm ra hướng đi thích hợp.

Ông Patrick Haverman cũng đưa ra lời khuyên tùy từng phạm vi hoạt động, năng lực cung ứng và điều kiện tài chính, doanh nghiệp có thể làm dần dần, làm từng hạng mục để dần đạt tới các mục tiêu đặt ra. Trong thời gian đầu, Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc sử dụng những nguồn “năng lượng rẻ nhất’ mà Việt Nam cũng như nhiều nước đang để lãng phí như: Năng lượng gió, sóng ngoài khơi, rác thải.

Xu hướng nông nghiệp xanh, làm giàu cho môi trường

Nắm bắt xu hướng phát triển xanh tất yếu của toàn cầu, một số doanh nghiệp nông nghiệp đầu ngành của Việt Nam đã tiên phong đầu tư thực hành ESG, gắn các chiến lược phát triển với các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị.

‘Chìa khóa’ hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 ảnh 1Sữa tươi hữu cơ TH true MILK.

Trong hội nghị toàn cầu về trách nhiệm xã hội CSR và các vấn đề của ESG lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam mới đây, nhiều doanh nghiệp Việt được ghi nhận là những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực này. Trong đó, Tập đoàn TH, Nestlé Việt Nam,… là những doanh nghiệp được đánh giá cao với những mô hình “sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” hay “nông nghiệp tái sinh” hiệu quả nhất.

Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển bền vững năm 2022,” bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Trưởng ban điều phối Ủy ban phát triển bền vững, Giám đốc kinh doanh quốc tế - Tập đoàn TH, cho biết nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang phát triển mạnh mẽ với nhiều kỳ tích về xuất khẩu. Trong đó, nỗ lực của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt như Tập đoàn TH là rất rõ rệt.

[Giành 3 Cúp sản phẩm hữu cơ: TH đưa nông nghiệp Việt sánh vai các nước]

Thực tế, TH đã định hướng phát triển bền vững là “kim chỉ nam” xuyên suốt trong tất cả mọi hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn. Những dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của doanh nghiệp này sản xuất ra các sản phẩm có sản lượng và chất lượng tốt, đáp ứng những tiêu chí khắt khe nhất của quốc tế.

“Chúng tôi cũng hướng đến việc xây dựng tương lai bền vững thông qua các chuỗi hoạt động sản xuất hữu cơ, an toàn. Bên cạnh đó, chúng tôi nỗ lực sẽ là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, để truyền cảm hứng tới các doanh nghiệp khác trong và ngoài lĩnh vực nông nghiệp, để cùng phát triển; đóng góp cho xã hội những sản phẩm, dịch vụ, cho phép mọi người sống khỏe mạnh hơn,” bà Thủy nhấn mạnh.

Với ý nghĩa đó, bà Thủy cho biết hiện nay TH đã xây dựng được “hệ sinh thái” doanh nghiệp khỏe mạnh, ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong mô hình sản xuất khép kín kết hợp với công nghệ cao trong khoa học và quản trị, để hài hòa được các yếu tố về môi trường, kinh tế và xã hội trong phát triển bền vững.

Là doanh nghiệp đi đầu về nông nghiệp tái sinh, bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam, cho biết từ khi có mặt tại Việt Nam, doanh nghiệp này đã đưa ra cam kết nhất quán, đó là “đầu tư dài hạn” hướng tới mục tiêu “đóng góp cho sự phát triển bền vững” và “phát triển bao trùm.”

Trên cơ sở đó, các kế hoạch sản xuất của Nestlé Việt Nam đều được hiện thực hóa thông qua các yếu tố trọng tâm như: Chống/thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050; giảm lượng phân bón hóa học, thay thế bằng phân bón hữu cơ để “bồi bổ” cho đất, bảo vệ nguồn nước; tận dụng nguồn nguyên liệu để chuyển đổi thành vật liệu tái tạo bền vững.

Bên cạnh đó, Nestlé Việt Nam đã chuyển đổi số trên các rẫy càphê thông qua ứng dụng kỹ thuật số FFB “nhật ký nông hộ.” Điều này giúp người nông dân chuyển hoàn toàn sang phương pháp canh tác “nông nghiệp tái sinh,” áp dụng mô hình xen canh phù hợp, giảm 40%-60% lượng nước tưới, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu. Điều quan trọng nữa là tất cả cả các hoạt động được ghi lại đầy đủ trên ứng dụng kỹ thuật số FFB để tính toán phát thải CO2 và chi phí sản xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục