Theo tờ The Korea Times, phát biểu tại Diễn đàn quốc tế thường niên về một bán đảo Triều Tiên thống nhất (One Korea 2020) tại Seoul mới đây, nhà nghiên cứu Moon Hyun-jin, người sáng lập kiêm Chủ tịch Quỹ Hòa bình Toàn cầu (GPF), nhấn mạnh rằng thống nhất hai miền Nam-Bắc nên là điểm khởi đầu để tìm ra giải pháp lâu dài cho tiến trình phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Với chủ đề "Tái cơ cấu trong bối cảnh thay đổi toàn cầu: Cơ hội mới cho một Bán đảo Triều Tiên tự do và thống nhất," diễn đàn năm nay được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng Hàn Quốc (15/8) với sự đồng chủ trì của GPF, Tổ chức Hành động vì Hàn Quốc (AKU) và Liên minh các nhà lãnh đạo vì một bán đảo Triều Tiên thống nhất (LAKU).
Diễn đàn cho thấy sự cần thiết đưa ra những quan điểm và chiến lược mới để có được một bán đảo Triều Tiên thống nhất trong bối cảnh xung đột Mỹ-Trung đang gia tăng, đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử với những diễn biến khó lường và sự bấp bênh của mối quan hệ liên Triều.
Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch GPF Moon Hyun-jin nêu rõ: “Đại dịch COVID-19 ở quy mô toàn cầu sẽ tạo ra sự phân chia chính trị và kinh tế đáng kể ở cả trong và ngoài biên giới mỗi quốc gia. Thực tế cho thấy nó có thể mang lại những cơ hội mới hướng tới thống nhất bán đảo Triều Tiên.”
Ông Moon Hyun-jin nhấn mạnh lý tưởng “Hongik Ingan” (tinh thần sáng lập của Hàn Quốc), có nghĩa là “sống vì lợi ích lớn hơn của toàn nhân loại,” đồng thời coi đây là cơ sở thực sự của cái mà ông gọi là “Giấc mơ Hàn Quốc.”
Giấc mơ Hàn Quốc được mô tả như một tầm nhìn cho một bán đảo Triều Tiên thống nhất với một lịch sử kéo dài dưới áp bức của chế độ thực dân và sự chia cắt từ năm 1945.
[Truyền thông Triều Tiên phản ứng về việc Hàn Quốc phát triển tên lửa]
Nhà nghiên cứu Moon Hyun-jin nhấn mạnh tầm nhìn về Giấc mơ Hàn Quốc “mang đến cơ hội mới cho người dân bán đảo Triều Tiên tự chịu trách nhiệm về vận mệnh của mình và tạo ra một quốc gia mới, vượt lên trên khuôn khổ sự phân chia hiện tại,” có thể đưa hai miền Triều Tiên xích lại với nhau thông qua sự hợp tác “đồng lòng” giữa một nền kinh tế phát triển của Hàn Quốc và nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác cũng như nguồn nhân lực lao động dồi dào của Triều Tiên.
Mặc dù có những cách nhìn nhận đối lập của hai miền Triều Tiên về cách tiếp cận thống nhất, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đồng ý về nguyên tắc rằng bản thân người dân hai miền nên xác định “cách tiếp cận.”
Để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa và thúc đẩy tiến trình thống nhất do Hàn Quốc dẫn dắt, Moon Hyun-jin nhấn mạnh vai trò của các phong trào xã hội dân sự do chính người dân Hàn Quốc khởi xướng cả ở trong và ngoài nước.
Cùng quan điểm này, diễn giả Edwin J. Feulner, người sáng lập và là cựu Chủ tịch của Quỹ Di sản, đã nhấn mạnh vai trò của các nhà hoạt động dân sự và lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ.
Ông cho rằng các nhóm dân sự là “công cụ quan trọng” để thu hút sự tham gia của người dân vào các phong trào thống nhất. “Việc huy động các nhóm dân sự theo các nguyên tắc chung, đặc biệt với mục tiêu chung là thống nhất, sẽ có ý nghĩa to lớn đối với tương lai của người dân ở cả hai miền Triều Tiên."
Trong khi đó, diễn giả Ahn Ho-young, Chủ tịch Đại học Nghiên cứu Triều Tiên đồng thời là cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ, lại chỉ ra rằng mặc dù chính quyền Moon Jae-in liên tục chìa “cành ôliu” song Bình Nhưỡng chỉ hồi đáp bằng những lời đe dọa khiêu khích quân sự và thậm chí bằng hành động cụ thể là cho nổ tung văn phòng liên lạc chung liên Triều ở thành phố biên giới Kaesong.
Nhắc lại lịch sử thống nhất nước Đức, nhà nghiên cứu Ahn Ho-young lưu ý thêm rằng thiết lập mối quan hệ đối tác là điều bắt buộc.
Ông nhấn mạnh: “Thật ảo tưởng khi nghĩ rằng thống nhất nước Đức có thể được thực hiện mà không cần đến sự hợp tác này, và không có sự hiểu biết chung này giữa tất cả các quốc gia liên quan.”
Trong tham luận của mình, nhà nghiên cứu Huiyao Wang, người sáng lập và là Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CFCG), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đã bày tỏ sự ủng hộ của Trung Quốc đối với tiến trình phi hạt nhân hóa và thống nhất hòa bình Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho rằng điều này sẽ đóng góp vào sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông nói: “Tôi thực sự hy vọng rằng tiến trình thống nhất hòa bình, quá trình đàm phán hòa bình có thể thực sự tiếp tục được củng cố và duy trì."
Là một chiến lược gia về lĩnh vực an ninh toàn cầu, William J. Parker, cựu Giám đốc điều hành đồng thời là Chủ tịch Viện nghiên cứu Đông Tây (EWI) có trụ sở tại New York (Mỹ), đã đưa ra những phân tích chi tiết về thực trạng tình hình chính trị hiện nay của Triều Tiên và cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân hiện nay.
Ông cho rằng việc cho Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến việc cả Hàn Quốc và Nhật Bản “có lý do” để trở thành các quốc gia hạt nhân.
Nhân dịp này, nhà nghiên cứu William J. Parker cũng đề xuất một số giải pháp mang tính khả thi cao như liên kết các chiến lược phi hạt nhân hóa do Mỹ dẫn đầu với ý tưởng thống nhất do Hàn Quốc làm chủ đạo.
Đây là “lời kêu gọi hành động dành cho người dân bán đảo Triều Tiên và những người ủng hộ trên toàn thế giới nhằm đạt được một quốc gia mới có chung quá khứ” bởi “Giấc mơ Hàn Quốc” đã đưa ra một lộ trình hiệu quả cùng với nỗ lực loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân của Triều Tiên./.