Hàng tỷ USD giá trị thị trường "bốc hơi" trong khi vị trí của vị giám đốc điều hành trong số những người giàu nhất thế giới cũng ít nhiều bị tác động.
Đây là những gì mà trang mạng xã hội Facebook và Giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg đang phải nếm trải trong những ngày gần đây sau làn sóng tẩy chay quảng cáo đang ngày một lớn trên khắp thế giới với lý do đế chế này không ngăn cấm các phát ngôn mang tính thù địch trên quảng cáo.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng bất chấp những tổn thất lớn mà Facebook đang gánh chịu, thực tế, một số công ty có thể đang tự làm hại chính mình nhiều hơn khi hạn chế việc xuất hiện trên nền tảng xã hội "khổng lồ" này.
Nói như bà Mari Smith, đồng tác giả cuốn "Facebook Marketing: An Hour A Day," các doanh nghiệp tham gia tẩy chay quảng cáo thực sự sẽ tự gây tổn thương cho chính mình với lợi nhuận sụt giảm. Họ mất nhiều hơn so với những gì Facebook phải gánh chịu.
Đây không phải là lần đầu tiên một mạng xã hội bị tẩy chay. Năm 2017, với lý do tương tự, nhiều thương hiệu lớn cũng tuyên bố ngừng quảng cáo trên YouTube. Câu chuyện này theo năm tháng đã dần bị lãng quên, YouTube đã điều chỉnh chính sách quảng cáo của mình và 3 năm qua, công ty này vẫn ăn nên làm ra. Do đó, những gì đang xảy ra với Facebook có thể sẽ chỉ là câu chuyện có chung kịch bản với YouTube.
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng đưa ra thêm các lý do để chứng minh cuộc tẩy chay này không gây hại quá nhiều cho Facebook. Đó là nhiều công ty tham gia chiến dịch #StopHateForProfit (Ngừng kiếm lời từ sự thù địch) tẩy chay quảng cáo trên Facebook chỉ cam kết làm điều này trong tháng 7. Chưa kể một lý do quan trọng hơn đó là đa phần doanh thu quảng cáo của Facebook đến từ hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa.
[Puma nối dài danh sách các thương hiệu lớn tẩy chay Facebook]
Theo CNN, trong năm ngoái, 100 thương hiệu chi tiền quảng cáo nhiều nhất chỉ chiếm 4,2 tỷ USD, tương đương 6% doanh thu quảng cáo của nền tảng này. Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp cỡ vừa chưa tham gia làn sóng trên.
Giám đốc chiến lược của Công ty quảng cáo Digital Whiskey Mat Morrison cho rằng các doanh nghiệp nhỏ không thể không viện tới Facebook để quảng bá các sản phẩm hay hình ảnh của mình, bởi quảng cáo trên nền tảng này sẽ tiết kiệm chi phí hơn và hiệu quả hơn so với những nền tảng khác như TV hay báo, đài.
Thực tế, Facebook cho phép các doanh nghiệp hướng đến nhóm đối tượng khách hàng, thay vì quảng cáo đại trà. Đây cũng chính là lợi thế mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua Facebook. Chính vì vậy, theo bà Mari Smith, nếu chỉ một số ít thương hiệu ngừng quảng cáo trên Facebook trong một tháng, kết quả kinh doanh của trang mạng này hầu như không bị suy chuyển. Và nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng cắt tất cả quảng cáo, thậm chí trong một tháng, điều này có thể gây ra tổn thất lớn về doanh thu cho chính những chủ doanh nghiệp đó.
Cho đến nay, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với các tập đoàn lớn, bao gồm Verizon, Unilever, Starbucks, Best Buy, Coca-Cola và The North Face, cho biết họ sẽ rút quảng cáo từ Facebook trong tháng 7 này. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp lớn như Walmart, Disney, Procter & Gamble tham gia chiến dịch, câu chuyện sẽ lại đi theo một hướng đi khác.
Trong bối cảnh vẫn chưa rõ #StopHateForProfit có ảnh hưởng lớn đến sự sống còn của Facebook hay không vì nó phải phụ thuộc vào quy mô và thời gian các doanh nghiệp cùng nhau tham gia, chiến dịch này cũng đã "ghi điểm" khi ngày 26/6, người sáng lập ra Facebook - CEO Mark Zuckerberg đã trấn an công chúng với những cam kết mới về việc cấm những quảng cáo có nội dung thù địch và sẽ gắn thẻ các bài viết gây tranh cãi do giới chính trị gia đăng tải./.