Các nhà xuất bản báo chí nằm trong số những người ký văn bản ủng hộ cải cách về bản quyền của Liên minh châu Âu (EU), vấn đề được đưa ra thảo luận tại Nghị viện châu Âu tuần này.
Trang mạng châu Âu Euractiv vừa có bài phân tích đánh giá về vấn đề này.
Nghị viện châu Âu đã họp để bỏ phiếu quyết định đối với dự thảo Chỉ thị về bản quyền. Đây là một văn bản được thảo luận quyết liệt từ gần ba năm qua, bao hàm nội dung quy định các phương tiện truyền thông và các nghệ sỹ có quyền hưởng một phần doanh thu được tạo ra trên trang web do các sản phẩm của chính họ mang lại.
Cho đến nay, các gã khổng lồ Internet của Mỹ đang chiếm giữ phần lớn lợi nhuận từ mảng này. Sự được mất là rất lớn đối với báo chí, các nghệ sĩ cũng như với nền dân chủ và văn hóa. Tuy nhiên, mục tiêu của trận chiến đáng kinh ngạc này đã bị dẫn dắt bởi các nền tảng mạng xã hội lớn.
Trong nhiều tháng, một mối đe dọa đã được lan truyền rộng rãi trên tất cả các mạng xã hội: nếu chỉ thị của châu Âu về bản quyền được thông qua, đó sẽ là sự chấm dứt tự do đối với Internet. Người dùng mạng sẽ không còn quyền truy cập miễn phí vào các dịch vụ. Sáng tạo và thông tin sẽ bị cản trở, nhường chỗ cho sự kiểm duyệt gắt gao. Cộng đồng mạng sẽ mất đi thứ đang chiếm vị trí trung tâm trong cuộc sống của họ: Internet miễn phí và sự giàu có không giới hạn. Một viễn cảnh kinh hoàng được chia sẻ bởi hàng chục nghìn trang web cùng một bản kiến nghị với tiêu đề cam kết "Hãy cứu lấy Internet." Ai sẽ không chiến đấu vì một sự nghiệp như vậy?
Những tuyên bố mạnh mẽ này đến từ một trong những chiến dịch thông tin sai lệch ồ ạt nhất từng được tổ chức. Người dùng Internet giờ đây có phải trả tiền để truy cập Internet và trao đổi các tập tin không? Không.
Nội dung này đã được Chỉ thị nói rõ ràng. Chỉ những nền tảng kiếm được doanh thu đáng kể mới phải trả tiền cho các công ty truyền thông, giới nghệ sĩ và các tác giả. Liệu họ sẽ bị hủy hoại đến mức không còn có thể hoạt động? Còn lâu mới vậy, nhờ vào vị trí thống trị gần như tuyệt đối của mình, hai nền tảng về mạng xã hội lớn nhất của Mỹ hiện nay đã hút tới gần 80% doanh thu quảng cáo trên Internet với hàng chục tỷ USD/năm.
Việc trả vài trăm triệu cho các nhà sản xuất nội dung sẽ không làm họ phá sản và khoản này cũng không cao hơn mức thuế tối thiểu ở châu Âu. Đây là điều giống như mọi công ty về phân phối nội dung khác làm là trả tiền cho những người sản xuất ra các nội dung đó.
Một "tin giả" khác đang được quảng cáo bởi những người vận động hành lang, đó là Chỉ thị sẽ tạo ra sự kiểm duyệt. Một điều xấu hổ khi chúng ta biết rằng các nhà báo đã phải trả giá bằng cuộc sống của mình để chống lại kiểm duyệt. Nếu các bài viết hoặc bài hát biến mất khỏi trang web, đây sẽ là lựa chọn duy nhất của các nền tảng chính. Ngày nay, các nền tảng mạng xã hội lớn rõ ràng đã đe dọa các phương tiện truyền thông và các nghệ sĩ nhằm để cho điều này xảy ra. Và vì một lý do: Họ không muốn trả tiền cho các tác giả không hợp ý họ.
[Phản đối luật bản quyền EU, Wikipedia ngừng hoạt động ở 3 nước]
Những mối đe dọa trên không phải chỉ tồn tại trên lý thuyết. Trong quá khứ, một công cụ tìm kiếm lớn đã nhanh chóng "hủy đăng ký" với các phương tiện truyền thông của một quốc gia châu Âu khi bị yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ của mình. Cuối cùng họ đã phải đầu hàng để có thể tiếp tục hoạt động trên môi trường Internet.
Gần đây, Wikipedia của Italy đã đóng cửa trước ngày bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu về chỉ thị vào hồi tháng 9 vừa qua để "cho" người dùng Internet thấy "thế giới của chỉ thị" sẽ như thế nào. Chính xác là để tránh những kịch bản như vậy các quốc gia EU cần phải đoàn kết lại. Sẽ là phức tạp hơn đối với những người khổng lồ Internet để có thể quyết định hủy bỏ kết nối truyền thông của khoảng 500 triệu người châu Âu. EU là một thị trường mà họ không thể bỏ qua.
Có một rủi ro thực sự của việc kiểm duyệt khi nó được tạo ra từ một thế giới không có chỉ thị. Khi hầu như tất cả số tiền thu được tiếp tục chui vào túi của các nền tảng Internet khổng lồ thì dần dần các phương tiện truyền thông khác sẽ bị tước đi mọi kế sinh nhai. Một thực tế đang tồn tại là hàng chục tờ báo đã ngừng hoạt động và nền dân chủ, nhất là dân chủ trong thông tin, đang thực sự bị đe dọa.
Vâng, người sử dụng Internet cần được thấy một nền báo chí đa chiều và tự do. Và họ cần phải được bảo vệ trước những thông tin sai lệch, những nỗ lực lạm dụng việc định hướng dư luận, sự tuyên truyền phục vụ mục đích của nhà cầm quyền, các chiến dịch vận động hành lang và nhất là những thông tin đánh lừa công chúng.
Điều này đòi hỏi các phương tiện truyền thông phải giữ được sự độc lập và cất tiếng nói phản biện để có thể sống được trên đôi chân của chính mình. Việc thông qua Chỉ thị của EU là vấn đề sống còn đối với giới truyền thông cũng như nhiều nghệ sỹ và nhà văn.
Một câu hỏi quan trọng bậc nhất cho một môi trường Internet phong phú và đa dạng, nơi thông tin và văn hóa luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng./.