Trang tin của Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nam Dương (NTU) mới đây đăng tải bài viết về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức của Tiến sỹ Frederick Kliem, khách mời tại Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa Đa phương thuộc RSIS.
Đức gần đây đã tham gia câu lạc bộ đặc biệt chỉ gồm một số ít các quốc gia có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chính thức, mặc dù rất hoa mỹ gọi đó là "Leitlinien" (Hướng dẫn) theo tiếng Đức.
Tài liệu cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại truyền thống của Đức trong bối cảnh có một sự thừa nhận ngày càng lớn rằng Berlin không còn chỉ dựa vào Mỹ để mang lại những điều tốt đẹp cho công chúng toàn cầu.
Trong khi nhiều người trong đảng CDU (Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo) cầm quyền từ lâu đã kêu gọi Đức cần có trách nhiệm toàn cầu lớn hơn, kể cả việc triển khai quân sự, giờ đây, các đối tác nhỏ hơn trong liên minh giờ đây cũng đã nhất trí với quan điểm này.
Tài liệu là một chỉ dấu về cách tiếp cận mạnh mẽ hơn của Đức về sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc.
Cách tiếp cận toàn diện của Đức
Đức là cường quốc ít liên quan trong việc đưa ra một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, tài liệu 68 trang của Berlin lại chi tiết nhất, toàn diện nhất khi so sánh với chiến lược mà các chính phủ khác đã công bố.
Đây là cách tiếp cận toàn diện đặc trưng của Đức đối với các mối quan hệ quốc tế, một chính sách phức hợp gồm cả viện trợ phát triển, ngoại giao và chủ nghĩa đa phương, và triển khai quân sự, theo thứ tự đó.
Ngoài ra, Berlin cũng lưu tâm tới những sự nhạy cảm tại châu Âu về sức mạnh Đức và luôn cẩn trọng lồng ghép chính sách an ninh và đối ngoại của mình vào khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU).
[Tại sao Đức muốn thắt chặt quan hệ với ASEAN?]
Tuy nhiên, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức rõ ràng hứa hẹn trách nhiệm và sự can dự lớn hơn tại châu Á, bao gồm tăng cường hợp tác và triển khai quân sự, tăng cường ngoại giao quốc phòng và tham gia vào chủ nghĩa đa phương khu vực, đặc biệt là các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt.
Và đó là một sự lên án đáng kinh ngạc, mặc dù có phần nguỵ trang, về việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán thông qua việc thường xuyên đề cập (46 lần) đến cái gọi là trật tự dựa trên luật pháp và công khai chất vấn cam kết của Bắc Kinh đối với hiện trạng.
Đồng thời, báo cáo cũng gián tiếp chỉ trích cách tiếp cận mạnh mẽ của Mỹ, thừa nhận rằng việc gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc không phải là lợi ích của Đức.
Thay vì hậu thuẫn một cách rõ ràng cho đồng minh xuyên Đại Tây Dương, Berlin đã xác định sự cần thiết phải đa dạng hoá hơn nữa các mối quan hệ đối tác trong khu vực.
Quyết tâm quy chuẩn mới của Đức
Là quốc gia sản xuất và thương mại, các lợi ích của Đức là rõ ràng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất về hàng hóa, châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất ngoài EU và nền kinh tế Đức phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng đáng tin tưởng và các tuyến đường biển mở.
Điều này khiến các nhà bình luận Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn lập luận rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức có ý nghĩa về mặt kinh doanh hơn là an ninh chiến lược, và có lẽ Berlin chỉ ủng hộ miệng cho các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm kiềm chế các tham vọng của Trung Quốc.
Nhận định này chỉ đúng một phần. Không giống như Pháp, cách tiếp cận truyền thống của Đức đối với Trung Quốc và Nga luôn là cách thức làm thế nào để thu được lợi ích kinh tế tối ưu trong khi vẫn giữ im lặng trong các vấn đề nhạy cảm. Điều này này mang lại những phần thưởng kinh tế, nhưng cũng mang lại những sự chỉ trích.
Mọi thứ giờ đây đã khác. Các nhà bình luận Trung Quốc có lẽ đã đánh giá thấp sự chuyển đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Đức hiện nay cũng như ý chí và quyết tâm theo quy chuẩn mới của Đức.
Đức hiện đã sẵn sàng thừa nhận rằng nước này có các lợi ích quốc gia chiến lược bên ngoài châu Âu, và Berlin có vẻ như sẵn sàng theo đuổi những lợi ích đó mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trên thực tế, chính đại dịch COVID-19 vừa qua đã ngăn cản Đức triển khai tàu khu trục tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm nay.
Một điều cũng rõ ràng là một số thành tố trong năng lực quản lý đất nước của Nga và Trung Quốc là mối quan ngại sâu sắc tại Berlin vì lý do quy chuẩn, chứ không phải lý do kinh doanh.
Ví dụ, Đức đang can dự vào cuộc đấu tranh ngoại giao với Nga, công khai cáo buộc Nga đã đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny.
Một trường hợp thử thách quyết tâm quy chuẩn của Đức sẽ là quyết định đang treo của Berlin về việc có huỷ dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Đức và Nga liên quan vụ việc của chính trị gia Alexei Navalny hay không.
Từ hùng biện tới hành động?
Dù tất cả những điều này cho thấy một nước Đức tự tin hơn, quyết đoán hơn trong tương lai, song vẫn còn những vấn đề cần lưu ý.
Một chiến lược thực sự có ý nghĩa phải bao gồm ba thành tố thiết yếu: Mục đích, phương tiện và nguồn lực.
Trong khi các mục đích và phương tiện đã được mô tả rõ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức, các nguồn lực lại vẫn còn thiếu - vật chất và ý thức hệ.
Thứ nhất, khoảng cách giữa những lời hùng biện an ninh và hành động của Berlin là rất lớn. Những yếu kém trong quân đội Đức đã được ghi nhận rõ ràng. Nguồn lực tài chính không đủ và việc quản lý chính trị kém đã khiến cho lực lượng vũ trang Đức đối mặt với lỗ hổng năng lực nghiêm trọng, và như một nhà bình luận Trung Quốc đã lý giải một cách chính xác, sự tin tưởng quá mức vào quyền lực mềm quy chuẩn đã làm tê liệt thực lực triển khai sức mạnh.
Hơn nữa, có một khoảng cách lớn giữa công chúng Đức, những người thường hoài nghi và chống chủ nghĩa quân phiệt, với khát vọng của giới tinh hoa hoạch định chính sách đối ngoại thiên về tương lai hơn.
Cho tới nay, Berlin vẫn chưa giải thích được cho người dân, những người đóng thuế cho nhà nước, về lý do tại sao họ lại có các lợi ích an ninh ở những vùng xa xôi.
Cuối cùng, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức một phần dựa trên chủ nghĩa đa phương, sự phụ thuộc lẫn nhau vào thương mại lớn hơn và các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt.
Trong khi việc ký thêm các thỏa thuận thương mại tự do là hoàn toàn có thể, nhưng việc gia tăng đại diện của Đức, hoặc của EU, tại các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt là không thể vào thời điểm này.
Liệu Đức có thể đóng góp?
Vì thế, Đức có thể đóng góp bao nhiêu trên thực tế vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Dù thế nào đi nữa, chỉ sự đóng góp của Đức đơn thuần thì không khác gì muối bỏ bể. Đây là lý do tại sau sự hợp tác lớn hơn tại châu Âu là quan trọng.
Nhưng một giải pháp của EU đòi hỏi sự đồng thuận thực sự về Trung Quốc, và những quy trình hợp tác quân sự của EU rất phức tạp và hạn chế.
Mặc dù chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Đức có thể cuối cùng dẫn tới một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chung của EU, nhưng trước mắt, chủ nghĩa đa phương nội bộ có thể là hình thức tốt nhất.
Các lợi ích Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Anh và Pháp phần lớn phù hợp với Đức và hợp sức ba nước lớn "Big E-3" sẽ có năng lực để trở nên hùng mạnh hơn ở khu vực.
Dù cho là như vậy, hiện vẫn có vấn đề Brexit và mối quan hệ khó khăn giữa ông Macron và bà Merkel.
Nhưng mối quan hệ Pháp-Đức sau năm 1945 đã cho thấy một mối quan hệ đối tác lâu dài, chẳng hạn như trong trường hợp gói kích thích mới đây của EU để đối phó với tác động của COVID-19.
Sự can dự vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện tại của Anh cho thấy rằng, dù có những nguồn lực thiết bị đáng kể, chính sách an ninh và đối ngoại sẽ vẫn không hiệu quả nếu như không có một chiến lược rõ ràng.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rõ ràng và chi tiết của Đức là một sự khởi đầu tốt, dù vẫn chưa có hiệu lực.
Tuy nhiên, chiến lược này hợp lý hóa nỗ lực của toàn chính phủ nhằm đóng góp vào sự ổn định của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và nó có thể là một bản thiết kế cho cách tiếp cận hợp tác của châu Âu - trước mắt ở quy mô nhỏ và sau này ở cấp độ toàn bộ liên minh./.