Chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương: Thống nhất để chia rẽ?

Chuyến công du này chỉ là một trong nhiều động thái của Mỹ trong khu vực trong vài năm qua nhằm tăng cường sự hiện diện và tầm nhìn của Mỹ.
Chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương: Thống nhất để chia rẽ? ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng chinausfocus.com, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du châu Á vào cuối tháng 5 vừa qua.

Ông đã thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, gặp tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Nhật hoàng Naruhito, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese.

Chuyến công du này chỉ là một trong nhiều động thái của Mỹ trong khu vực trong vài năm qua nhằm tăng cường sự hiện diện và tầm nhìn của Mỹ: Bộ tứ, Thỏa thuận an ninh 3 bên giữa Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

[IPEF: "Cây đũa thần" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực?]

Tất cả những sáng kiến này được đưa ra trong bối cảnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi.

Những gì đã thay đổi trong 20 năm đầu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đang thay đổi ngược trở lại trong thập kỷ qua, và thậm chí còn hơn thế nữa đối với tương lai.

Hợp tác kinh tế đã từng là động lực định hình quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, các vấn đề an ninh hiện đã được kiểm soát. Sự phát triển nhanh chóng của toàn cầu hóa kinh tế sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã từng tạo động lực cho hội nhập kinh tế khu vực, nhưng hiện nay tiến trình này đang suy yếu.

Các cường quốc lớn trong khu vực từng hợp tác và phối hợp để xử lý các thách thức kinh tế, an ninh và phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng giờ đây sự cạnh tranh chiến lược giữa họ đang quay trở lại và ám ảnh các mối quan hệ tương tác của họ.

Những mâu thuẫn và tranh chấp về các vấn đề ý thức hệ từng bị gạt sang một bên hoặc bị xem nhẹ trong chính sách đối ngoại, thì giờ đây những yếu tố này đang được làm nổi bật thường xuyên hơn.

Trong tình cảnh đáng lo ngại đó, Mỹ muốn đóng vai trò gì trong khu vực này? Chính quyền Tỏng thống Biden đã đưa ra câu trả lời: Mỹ ở đây là để đoàn kết, nhưng chỉ với các đồng minh và đối tác.

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden và nhóm của ông đã cố gắng bằng mọi cách để đoàn kết các đối tác để có thể cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, hoặc thậm chí đối đầu nếu cần thiết.

Làm thế nào để làm như vậy? Theo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố hồi tháng 2 vừa qua và bài phát biểu của Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 26/5 phác thảo chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc, Mỹ sẽ định hình môi trường chiến lược nơi Trung Quốc hoạt động, thiết lập cân bằng ảnh hưởng trong thế giới thuận lợi tối đa cho Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Vì mục tiêu này, Washington đã rất cố gắng vận động các quốc gia trong khu vực sử dụng ý thức hệ, coi cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung là cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chuyên quyền.

Ngay cả khi vết thương từ cuộc nổi dậy tại Đồi Capitol, nơi có tòa nhà Quốc hội Mỹ, ngày 6/1/2021, vẫn còn rỉ máu, Tổng thống Biden tin rằng Mỹ “vẫn là một ngọn hải đăng, một thỏi nam châm thu hút tất cả các quốc gia khác.”

Ông đã triệu tập Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa các nền dân chủ hồi tháng 12 năm ngoái để “đổi mới nền dân chủ trong nước và đối đầu với các chế độ chuyên quyền ở nước ngoài”. Đó là một mưu đồ địa chính trị hơn là một cuộc tụ họp của các quốc gia dân chủ, và một số người cho rằng đó là đỉnh cao của sự đạo đức giả.

Bằng cách sử dụng ý thức hệ như một công cụ chính trị, chính quyền Biden cho thấy họ chỉ muốn đoàn kết các quốc gia tuân theo chương trình nghị sự của Mỹ, thúc đẩy tách rời lĩnh vực công nghệ khỏi Trung Quốc, xây dựng lại chuỗi cung ứng và chuyển các nhà máy sản xuất về Mỹ.

Do đó, Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ chỉ ra rằng sự phát triển công nghệ trong khu vực này sẽ được dẫn dắt bởi “các giá trị dân chủ chung.”

Các nền kinh tế của Nhật Bản và Mỹ là những nền kinh tế “dân chủ” và cả hai quốc gia đều có “nghĩa vụ duy nhất là duy trì các giá trị, chuẩn mực và nguyên tắc dân chủ.”

Liên minh Mỹ-Hàn “bắt nguồn từ các giá trị chung là thúc đẩy dân chủ và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.” Với sự điều khiển của chính quyền Biden, hầu như mọi thứ đều có thể là ý thức hệ, và điều đó nghe có vẻ giống một lời nói sáo rỗng thời Chiến tranh Lạnh.

Chính quyền Biden cũng khuyến khích các nước trong khu vực tăng cường năng lực quân sự, với lý do được gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc và các thách thức an ninh khu vực.

Trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Biden, liên minh Mỹ-Hàn đã được nâng cấp lên tầm chiến lược toàn diện và Hàn Quốc được khuyến khích “đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn trong khu vực và trên thế giới.”

Hai nước cam kết củng cố thế trận quốc phòng tổng hợp và mở rộng phạm vi, quy mô của các cuộc tập trận và huấn luyện chung.

Trong Tuyên bố chung Mỹ-Nhật, Nhật Bản cho biết họ quyết tâm “xem xét tất cả các lựa chọn cần thiết cho quốc phòng” để “tăng cường cơ bản năng lực quốc phòng của quốc gia” và đảm bảo tăng đáng kể ngân sách quốc phòng.

Trong khi đó, Mỹ và Ấn Độ cam kết “mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng mới,” bao gồm cả không gian vũ trụ và không gian mạng.

Những động thái này khiến chúng ta nhớ đến Chiến lược quân sự quốc gia năm 2011 của Mỹ, có tiêu đề là “Xác định lại vai trò lãnh đạo quân sự của Mỹ.”

Khi Trung Quốc được xác định là mối đe dọa và Mỹ phải tập trung đầu tư trong nước cả hiện tại và trong tương lai gần, chính quyền Biden phải đi đúng hướng - kết thúc cuộc chiến chống khủng bố bằng cách rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, về cơ bản chuyển ưu tiên chiến lược từ châu Âu sang châu Á-Thái Bình Dương, phân bổ lại các nguồn lực ở các khu vực khác nhau, đồng thời kêu gọi các đồng minh và đối tác đóng góp nhiều hơn và đóng vai trò lớn hơn trong chiến dịch đối phó với Trung Quốc.

Đây chính xác là ý nghĩa của việc “xác định lại vai trò lãnh đạo quân sự của Mỹ” và nó cũng rất giống với chiến lược “lãnh đạo từ phía sau” mà chính quyền Barack Obama đã theo đuổi hơn một thập kỷ trước.

Chiến lược “đoàn kết” của chính quyền Biden thực sự là nhằm chia rẽ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Những gì Tổng thống Biden và nhóm của ông đã nói và làm trong 16 tháng qua là nhất quán và rõ ràng: Mỹ muốn xây dựng các liên minh mới bằng cách củng cố các liên minh hiệp ước truyền thống, tập hợp lại các đồng minh, thiết lập các cơ chế mới và tạo ra các nền tảng mới để Mỹ có thể thúc đẩy hợp tác và phối hợp về các vấn đề chính trị, kinh tế, công nghệ và an ninh. Trong những nỗ lực này, Trung Quốc hoặc là mục tiêu hoặc bị loại trừ thẳng thừng.

Chiến lược “đoàn kết để chia rẽ” của chính quyền Biden chỉ làm cho tình hình vốn đã nghiêm trọng trở nên tồi tệ hơn. Nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ đơn giản là không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những quốc gia khác hy vọng Mỹ sẽ làm nhiều hơn để giải quyết những mối quan tâm lo ngại của họ, thay vì họ phải đáp ứng các yêu cầu của Mỹ.

Với chuyến công du châu Á mới đây của Tổng thống Biden và bài phát biểu hồi tuần trước của Ngoại trưởng Blinken, Mỹ đang áp dụng chiến lược “đoàn kết để chia rẽ.”

Thời gian sẽ trả lời liệu chiến lược này có phải là ý tưởng viển vông, hay liệu chính quyền Biden có thể mang lại lợi ích cho người dân Mỹ và các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương hay không. Không chắc những gì đã thất bại trong quá khứ sẽ thành công trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.