Chiến lược quốc gia về AI: Thách thức đối với hạ tầng dữ liệu

Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam.
Chiến lược quốc gia về AI: Thách thức đối với hạ tầng dữ liệu ảnh 1Ảnh minh họa.

Tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030.

Chiến lược đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế có nhiều thay đổi, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam xác định phát triển AI, đưa AI trở thành ngành công nghệ mũi nhọn, mang tính đột phá.

Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 3 bài viết liên quan đến phát triển Chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo.

Bài 1 - Thách thức đối với hạ tầng dữ liệu

Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ AI làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, Chính phủ xác định công nghệ AI là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung tham mưu, định hướng để thúc đẩy phát triển công nghệ, trong đó, tập trung nguồn lực cho phát triển AI, đồng thời tiếp tục phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm, hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, liên kết các nhà nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Dữ liệu lớn - trụ cột phát triển AI

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết AI đang được quan tâm trên toàn thế giới, là một vấn đề có thể thay đổi sự phát triển kinh tế xã hội của tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 để ứng dụng và phát triển công nghệ AI tại Việt Nam.

Phát triển công nghệ dữ liệu AI đóng vai trò đặc biệt quan trọng, ngoài những nguồn chung, có bộ dữ liệu có thể thương mại hóa.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, để thực hiện chiến lược này, những vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, cơ sở dữ liệu cần xây dựng đồng bộ với hạ tầng tính toán, các máy tính có khả năng tính toán lớn cũng như đào tạo các kỹ thuật viên để có thể xử lý các bài toán dữ liệu lớn đồng thời, triển khai từng bước cụ thể, từ làm rõ các khái niệm đến cách thức tính toán lớn của Việt Nam cũng như chia sẻ những hạ tầng tính toán một cách hợp lý, hiệu quả nhất.

[Công nghệ AI giúp giải "bài toán khó" về chất lượng giấc ngủ]

Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ - đơn vị chủ trì triển khai chiến lược đang thực hiện chuỗi tọa đàm về AI gồm 5 chuyên đề: "Hạ tầng dữ liệu và tính toán," "Đào tạo nhân lực AI," "Nghiên cứu phát triển," "Ứng dụng AI" và "Xây dựng cộng đồng AI."

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Thí nghiệm mục tiêu AI, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và công nghệ quốc gia KC 4.0 nhấn mạnh hạ tầng và dữ liệu tính toán được xem như 2 trong 3 trụ cột quan trọng để Việt Nam nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI. Việc hiểu rõ về tầm quan trọng của việc thu thập, làm sạch dữ liệu cũng như cơ chế chia sẻ dữ liệu, hạ tầng tính toán sẽ giúp các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ tận dụng, phát huy được năng lực của mỗi bên.

Đánh giá được tầm quan trọng trong phát triển và ứng dụng AI, Đại học Bách Khoa Hà Nội lần đầu tiên mở ra ngành trí tuệ nhân tạo với số điểm trên 27 vào năm 2019 nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực có trình chuyên môn cao, đào tạo bài bản và dẫn đầu cho nền trí tuệ nhân tạo Việt Nam. Ngoài ra, các chuyên gia Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng tập hợp và mở các nguồn dữ liệu lớn như nền tảng tổng hợp tiếng nói với khoảng 15.000 người sử dụng; bản đồ nhiệt về giá bất động sản...

Trí tuệ nhân tạo không còn là câu chuyện khoa học mà là vấn đề kinh tế-xã hội để đưa Việt Nam phát triển.

Thách thức dữ liệu lớn

Tại buổi hội thảo "Hạ tầng dữ liệu và tính toán" mới diễn ra, ông Nguyễn Việt Cường, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tích hợp thông minh, thành viên của Công ty HPC Systems tại Việt Nam cho biết công ty đã và đang triển khai việc tích hợp và vận hành một số hệ thống tính toán lớn tại Việt Nam cho các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, tin sinh học, phân tích dữ liệu và phát triển vật liệu mới...

Ông Võ Sỹ Nam, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData cùng cộng sự nghiên cứu và phát triển các hệ thống phân tích và chú giải dữ liệu y sinh học quy mô lớn cũng như các mô hình dự đoán nguy cơ bệnh và tác dụng phụ của thuốc nhằm hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh.

Chiến lược quốc gia về AI: Thách thức đối với hạ tầng dữ liệu ảnh 2(Ảnh: Infoworld)

Một trong các dự án thực hiện có hệ thống quản lý, phân tích và chia sẻ dữ liệu y sinh học VinGen Data Portal được công bố tháng 12/2020 đã thực hiện lưu trữ hơn 1200 terabyte dữ liệu của gần 5.000 mẫu sinh học từ dự án giải mã 1.000 hệ gene người Việt và các dự án giải mã gene khác tại VinBigdata.

Đặc biệt, từ kinh nghiệm của quá trình xây dựng phát triển khi xây dựng hệ thống quản lý và chia sẻ dữ liệu gene và y sinh học VinGen Data Portal, ông Võ Sỹ Nam đã đưa ra đề xuất về tầm nhìn cho các hệ thống quản lý và chia sẻ dữ liệu quy mô quốc gia.

Ngoài ra, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu tính toán hiệu năng cao, phân tích dữ liệu hiệu năng cao và AI, điện toán đám mây và giao thức mạng; các dự án nghiên cứu về đánh giá hiệu năng hệ thống HPC (Giải pháp điện toán hiệu năng cao) sử dụng máy ảo/Docker trên Xeon Phi/GPUs và Infiniband, hạ tầng HPDA-AI và Làng thông minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục