Trung Quốc liệu có thể tuyên bố chiến tranh tiền tệ để “hóa giải” việc Mỹ áp thuế cao đánh vào hàng hóa của nước này hay không? Theo nhìn nhận của giới quan sát, đây thực sự là "con dao hai lưỡi" đối với Bắc Kinh trong xung đột thương mại với Washington.
Ngày 4/8, Trung Quốc đã thả nổi đồng Nhân dân tệ vượt ngưỡng cho phép, trên 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vốn đã không còn có tỷ giá thấp so với USD từ hơn 10 năm nay. Đây là sự đáp trả “ăn miếng trả miếng” của Bắc Kinh khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng 8/2019 tuyên bố sẽ áp mức thuế bổ sung 10% lên lượng hàng hóa còn lại trị giá khoảng 300 tỷ USD của Trung Quốc từ đầu tháng 9 tới.
Động thái thả nổi tiền tệ của Trung Quốc cũng đã khiến ông chủ Nhà Trắng tức giận: Chính quyền Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ… đồng thời đảm bảo tiếp tục theo đuổi đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Hiện không có tiêu chí khách quan và thống nhất nào để có thể xác định thế nào là đẩy giá quá cao hay dìm giá quá thấp đối với một đồng tiền. Và nếu thực sự là Trung Quốc đã để đồng Nhân dân tệ ở mức giá thấp từ đầu năm 2018, hay còn gọi là thao túng tiền tệ, thì cũng đừng quên rằng đồng USD có tỷ giá cao đối với các đối tác thương mại của Mỹ từ năm 2014 chủ yếu là do lãi suất cao hơn tại Mỹ.
Liệu Trung Quốc có thể phát động một cuộc chiến tiền tệ và để cho đồng Nhân dân tệ sụt giá? Về lý thuyết, việc phá giá đồng tiền chắc chắn làm giảm giá hàng hóa xuất khẩu ở thị trường nước ngoài. Theo đó, ít nhất là tạm thời, các doanh nghiệp xuất khẩu có được ưu thế cạnh tranh hơn.
Do vậy, Bắc Kinh có thể sử dụng chiến lược này để vô hiệu hóa các mức thuế mới của Mỹ áp lên hàng hóa của Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái này không hề đơn giản như vậy. Việc hạ tỷ giá đồng nội tệ sẽ “làm nghèo” đất nước.
Phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ để hóa giải việc tăng thuế quan của Mỹ nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá, bởi động thái này không chỉ thúc đẩy tình trạng tháo vốn khỏi thị trường Trung Quốc, điều mà giới chức ở Bắc Kinh lo ngại từ khủng hoảng châu Á năm 1998.
Với một đồng tiền có tỷ giá thấp hơn, xuất khẩu cũng đưa tới ít ngoại hối hơn, trong khi Trung Quốc đang phải tài trợ cho các kế hoạch mua lại doanh nghiệp nước ngoài và phát triển “Con đường Tơ lụa.”
[Diễn biến đồng nhân dân tệ: Trung-Mỹ tiếp tục đào sâu ngăn cách]
Đối với chính quyền Trung Quốc, đây là hai chiến lược chính: một là nhằm bắt kịp về công nghệ, hai là đặt Trung Quốc vào trọng tâm của quan hệ kinh tế thế giới và tới những thị trường tiêu thụ lớn nhất cho các doanh nghiệp Trung Quốc.Việc phá giá đồng tiền cũng làm giá hàng nhập khẩu gia tăng.
Điều này cũng khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp giành ưu tiên cho các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, một số mặt hàng buộc phải nhập khẩu như dầu mỏ hoặc hoặc một số nguyên vật liệu quan trọng.
Mặt khác, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đi vay bằng USD để tận dụng lãi suất rất thấp. Theo các số thống kế mới nhất trong quý I/2019 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, khoản vay nợ bằng đồng USD của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện lên tới 500 tỷ USD. Sự tăng giá của đồng USD cho thấy sự gia tăng một cách nhạy cảm của các khoản nợ trong các doanh nghiệp Trung Quốc.
Việc phá giá đồng Nhân dân tệ cũng có thể làm giảm nhu cầu trong nước. Sự suy giảm kinh tế sẽ làm sói mòn “tính chính đáng” của chế độ và làm gia tăng sự mất cân bằng lớn về kinh tế vĩ mô.
Qua phát biểu của Tổng thống Trump, người ta có thể nghĩ rằng Trung Quốc đã đặt cược hoàn toàn vào một mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nhờ vào nhân công giá rẻ và một đồng tiền được định giá thấp.
Tuy vậy, xuất khẩu không còn là động lực tăng trưởng của Trung Quốc từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trái lại, Bắc Kinh đã thực hiện một chương trình phục hồi lại toàn bộ nhu cầu trong nước bằng việc kích thích đầu tư công và khuyến khích tăng cường đầu tư tư nhân thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi.
Chính sách này đã hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 10 năm qua. Tuy nhiên, các nhà máy buộc phải tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp phải sản xuất và bán hàng, các văn phòng và nhà ở phải được xây dựng hàng loạt và phải có người mua - bởi họ cần phải trả nợ.
Người ta có thể ví đây là sự tăng trưởng dựa trên nợ nần: như một chiếc xe đạp, khi không còn chạy nữa thì nó sẽ bị đổ. Một cú bóp phanh có thể đẩy hệ thống ngân hàng và tài chính của Trung Quốc tới bờ vực sụp đổ.
Việc phá giá đồng Nhân dân tệ cũng khiến các quốc gia mới nổi ở châu Á đứng trước hai lựa chọn khó khăn mà họ không mong muốn: hoặc duy trì sự ngang giá trước đồng USD, với hệ quả là mất đi khả năng cạnh tranh trước Trung Quốc; hoặc đi theo đồng Nhân dân tệ và chịu sự gia tăng mạnh phí dịch vụ từ các khoản nợ bằng USD của các doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, nợ bằng USD của các nước châu Á mới nổi (không tính Trung Quốc) hiện lên tới 900 tỷ USD.Do vậy, phá giá đồng Nhân dân tệ cũng có tác động bất ổn đối với nền kinh tế thế giới, vốn đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm lại.
Bắc Kinh không có lợi ích nào trong bối cảnh đó. Hơn nữa, không được đánh giá thấp khả năng gây nguy hại của chính quyền Mỹ.
Sự ổn định của kinh tế Trung Quốc cũng phụ thuộc vào sự duy trì khả năng xuất khẩu của nước này, trong khi xuất khẩu là mục tiêu mà ông Trump đang nhắm tới để khuất phục Trung Quốc.
Về cơ bản, những đụng độ như vậy cho thấy khả năng Trung Quốc và Mỹ dường như đang tới gần tới việc đình chiến./.