Vụ bê bối "gián điệp hai mang" tiếp tục châm ngòi cho những bất bình của chính giới Berlin với cách hành xử của Washington và đã có nhiều ý kiến về các biện pháp đáp trả được đưa ra.
Ngày 8/7, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere thông báo đã cho lưu hành một bản ghi nhớ nội bộ về một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với vấn đề thu thập thông tin tình báo, như một lời kêu gọi các nỗ lực chống lại việc do thám các đồng minh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cho rằng Berlin nên cân nhắc đưa các điệp viên ngầm của Mỹ ra tòa.
Trả lời nhật báo Stuttgarter Nachrichten cùng ngày, đại diện nhóm các nghị sỹ đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cầm quyền, ông Andreas Schockenhoff đề nghị mở rộng hoạt động do thám nước ngoài của Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND) tới cả Mỹ.
Theo lệnh của Thủ tướng Angela Merkel, cho đến nay các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong đó có Mỹ đều không nằm trong "tầm ngắm" do thám của Berlin.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng chính giới Đức nên kiềm chế, giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh. Theo nghị sỹ đảng Dân chủ Xã hội Rolf Muetzenich, không thể chỉ trích chương trình thu thập thông tin khổng lồ của Mỹ để rồi lại làm điều tương tự.
Trước đó, trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Merkel ngày 7/7 đã cảnh báo vụ bê bối tình báo trên được chứng thực có thể sẽ hủy hoại lòng tin giữa hai quốc gia đồng minh này.
Cùng quan điểm trên, Tổng thống Đức Joachim Gauck tuyên bố sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu những cáo buộc trên là sự thực.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết giới chức hai nước đã tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương trên các kênh tư pháp và ngoại giao về vụ bê bối do thám mới này, song từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Tuần trước, Văn phòng Công tố liên bang Đức xác nhận một người đàn ông Đức 31 tuổi - nhân viên BND - đã bị bắt giữ ngày 2/7 vì nghi ngờ làm gián điệp cho cơ quan tình báo nước ngoài.
Truyền thông Đức dẫn thông tin từ giới chức an ninh cho hay đối tượng bị coi là "gián điệp hai mang" này làm việc cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và đã chuyển giao hơn 200 tài liệu để đổi lấy số tiền 34.000 USD.
Vụ việc đang đẩy quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ-Đức đứng trước những thách thức mới trong bối cảnh Berlin vẫn chưa quên những tiết lộ động trời của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, phơi bày chương trình do thám khổng lồ của NSA nhằm vào các công dân Đức, và nghiêm trọng hơn, Thủ tướng Merkel cũng là một mục tiêu do thám.
Sau sự kiện này, Berlin đã đề xuất với Washington về một thỏa thuận ràng buộc không do thám lẫn nhau. Tuy nhiên, Washington từ chối đề xuất trên.
Các bê bối do thám đồng minh liên tục nổ ra cũng khiến người dân Đức hoài nghi về mối quan hệ với Mỹ. Theo một điều tra hồi đầu tháng Sáu, 69% người Đức cho biết niềm tin của họ đối với Mỹ đã bị suy giảm trong khi 57% người Đức ủng hộ việc giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ./.