Ngày 30/12, Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Argentina Alfonso Prat Gay tuyên bố bãi bỏ sắc lệnh khuyến khích gửi kiều hối được ban bố từ tháng 4/2013 dưới thời Tổng thống vừa mãn nhiệm Cristina Fernandez.
Tuyên bố của Bộ trưởng Prat Gay tại một cuộc họp báo cho biết quyết định này của tân Tổng thống Mauricio Macri nhằm thắt chặt quản lý nguồn kiều hồi bởi sắc lệnh nói trên ảnh hưởng đáng kể tới cuộc chiến chống tội phạm ma túy cũng như tạo kẽ hở cho tình trạng trốn thuế.
Giám đốc Cơ quan Nguồn thu công liên bang (AFIP, cơ quan quản lý thuế) Alberto Abad cho biết từ năm 2013, với sắc lệnh khuyến khích gửi kiều hối, Argentina đã tiếp nhận khoảng 2,6 tỷ USD kiều hồi mà không cần khai báo nguồn gốc.
Các chuyên gia cho rằng chính sách này phần nào đã làm dịu bớt áp lực đảm bảo nguồn ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Argentina.
Nguồn kiều hối gửi về nước theo hình thức này sẽ được chuyển thành trái phiếu để đầu tư vào bất động sản và năng lượng chứ không được nhận tiền mặt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây là kẽ hở lớn cho các hoạt động rửa tiền.
Liên quan tới tình hình kinh tế, ông Prat Gay cho biết lạm phát trong tháng 12 của Argentina ở mức từ 3-3,5%, song chưa thể đưa ra tỷ lệ lạm phát của cả năm bởi chính phủ đang tiến hành cải cách hoạt động thống kê cũng như phương thức tính toán các chỉ số kinh tế của Viện Thống kê và điều tra quốc gia (INDEC), do đó tới thời điểm này chưa thể đưa ra tỷ lệ lạm phát của cả năm.
Về vấn đề này, cùng ngày, tân Giám đốc Jorge Todesca thông báo INDEC sẽ ngừng việc công bố các thống kê chính thức về nền kinh tế như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lạm phát và tỷ lệ nghèo, cho đến khi hoàn tất việc cải cách nhằm đảm bảo các số liệu đưa ra là đáng tin cậy. Quyết định này được đưa ra sau khi Chính quyền Tổng thống Marci bày tỏ hoài nghi về độ tin cậy của các số liệu thống kê về tình hình kinh tế mà INDEC công bố, nhấn mạnh vấn đề này đang trở nên "tồi tệ."
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Macri đã thực hiện một loạt cải cách về kinh tế nhằm thực thi các cam kết trong chiến dịch tranh cử, đó là tiến hành một cuộc cách mạng triệt để trong điều hành kinh tế vĩ mô, thay đổi hoàn toàn mô hình hiện nay vốn bị chỉ trích là quá bảo hộ cản trở kinh tế phát triển. Hôm 16/12, ông Macri đã quyết định bỏ trần tỷ giá hối đoái, được áp dụng từ cuối năm 2011, nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu ngoại tệ."
Với quyết định này, đồng peso của Argentina bị phá giá tới 30%. Các chuyên gia cảnh báo việc phá giá đáng kể đồng nội tệ có thể kéo theo tình trạng lạm phát mà theo dự báo năm nay sẽ ở mức hơn 25% và sang năm là 35%./.