Chính phủ Bulgaria thông qua kế hoạch trợ giá năng lượng

Phát biểu sau cuộc họp với các tổ chức công đoàn và các nghiệp đoàn hàng đầu, Thủ tướng Bulgaria Petkov nhấn mạnh chính phủ đã nhất trí các thỏa thuận trợ giá trong tháng Năm và tháng Sáu năm nay.
Đường ống dẫn khí tại trạm nén khí Bulgartransgaz ở Ihtiman, Bulgaria ngày 5/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cho biết ngày 16/5, chính phủ nước này đã thông qua gói biện pháp mới nhằm bảo vệ các công ty tránh khỏi tác động tiêu cực từ tình trạng giá nhiên liệu tăng cao do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Phát biểu sau cuộc họp với các tổ chức công đoàn và các nghiệp đoàn hàng đầu, Thủ tướng Petkov nhấn mạnh chính phủ đã nhất trí các thỏa thuận trợ giá trong tháng Năm và tháng Sáu năm nay.

Quyết định này sẽ làm giảm bớt những quan ngại của các doanh nghiệp Bulgaria.
Theo đó, chính phủ sẽ tiếp tục bù đắp một phần cho các doanh nghiệp phải chi trả giá điện cao và bù đắp hoàn toàn cho mức tăng 14% giá khí đốt tự nhiên trong tháng Năm này sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Bulgaria trong tháng Tư vừa qua.

Cụ thể, chính phủ sẽ chi trả 80% giá điện vượt trên 200lev/megawatt giờ (tương đương hơn 106 USD/MWh) cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ Bulgaria còn lập kế hoạch dài hạn nhằm bảo vệ nền kinh tế tránh khỏi những tác động do chi phí năng lượng tăng cao.

[Bulgaria, Phần Lan kêu gọi châu Âu tìm cách thay thế khí đốt của Nga] 

Thủ tướng Petkov cho biết thêm Chính phủ Bulgaria đang thương lượng các đơn hàng khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ vào tháng Sáu tới, đồng thời đang thảo luận các thỏa thuận dài hạn với các công ty Mỹ nhằm có được các mức giá thấp hơn.

Bulgaria hiện giữ nguyên giá điện hộ gia đình ở các mức tương ứng vào tháng 7/2021, đồng thời đang trợ giá cho các công ty trong bối cảnh chi phí năng lượng cao kể từ tháng 10 năm ngoái. Trước ngày 27/4, vừa qua thời điểm Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga khóa đường ống dẫn khí do Bulgaria từ chối thanh toán bằng đồng ruble, hơn 90% nhu cầu khí đốt của quốc gia thành viên nghèo nhất Liên minh châu Âu (EU) này là nguồn nhập khẩu từ Nga.

Sofia đang khẩn trương mua khí đốt thay thế từ Hy Lạp, đồng thời vẫn chưa cắt giảm nguồn cung tới các khách hàng, song mức giá hiện đã tăng lên rất cao.

Quốc gia Baltic này, thường tiêu thụ khoảng 3 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, cũng sẽ bắt đầu tiếp nhận 1 tỷ m3 khí của Azerbaijan kể từ tháng Bảy. Hiện Bulgaria mới chỉ nhận được hơn 30% trong tổng lượng khí đốt theo một hợp đồng dài hạn đã ký trước đó. 

Giới phân tích dự đoán các biện pháp mới sẽ không ảnh hưởng tới mục tiêu của chính phủ về việc duy trì mức thâm hụt tài khóa 2022 ở mức 4%. Trong khi đó, chính phủ cho biết nếu cần triển khai thêm bất kỳ biện pháp kích thích nào liên quan tới việc cung cấp khí đốt tự nhiên, thì ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ chi trả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục