Tiếp tục chương trình Phiên họp 27, sáng 17/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2023.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương là hơn 2.508 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10 năm 2023) Quốc hội khóa XV.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, địa phương là bảo đảm căn cứ pháp lý.
Về thời hạn và số kinh phí trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện để phân bổ ngân sách nhưng đến nay gần kết thúc năm ngân sách 2023 (5/10/2023) Chính phủ mới trình bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương, chỉ bằng khoảng 3,5% tổng số tiền chưa phân bổ là quá muộn so với quy định, gây lãng phí nguồn lực ngân sách Nhà nước.
Do đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, không để tồn tại các khoản chi chưa xác định được nhiệm vụ, nội dung chi trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm để chờ phân bổ. Đồng thời, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về số kinh phí còn lại chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, làm rõ về khả năng sử dụng khoản kinh phí này trong niên độ ngân sách Nhà nước năm 2023. Đa số ý kiến đề nghị, trường hợp không sử dụng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển cho các nhiệm vụ khác cần thiết, cấp bách, tránh gây lãng phí nguồn lực.
[Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận các vấn đề kinh tế-xã hội]
"Có ý kiến đề nghị, đến nay đã gần hết niên độ ngân sách Nhà nước năm 2023, trường hợp không phân bổ, không còn nhu cầu sử dụng cần hủy dự toán, giảm bội chi ngân sách trung ương để chủ động trong việc huy động nguồn lực bù đắp bội chi, giảm chi phí lãi vay" - báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết.
Về nội dung trình, Chính phủ trình bổ sung dự toán chi thường xuyên cho 35 bộ, cơ quan trung ương và 14 địa phương, ông Lê Quang Mạnh cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, theo quy định tại khoản 5 Điều 19, khoản 4 Điều 25 Luật ngân sách Nhà nước và quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị quyết số 70/2022/QH15, Quốc hội không phân bổ chi tiết cho từng nhiệm vụ chi cụ thể của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Để bảo đảm đủ căn cứ xem xét, quyết định, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ bổ sung thuyết minh chi tiết từng khoản chi. Đồng thời, dự kiến ngày 23/10/2023, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 6, do vậy để bảo đảm chặt chẽ theo quy định, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Trên cơ sở tổng mức chi được Quốc hội quyết định, đề nghị giao Chính phủ rà soát, phân bổ chi tiết từng nhiệm vụ chi cụ thể cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết về cơ bản Kiểm toán Nhà nước đã thống nhất nội dung thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị cần làm rõ việc bổ sung dự toán do những nhiệm vụ mới phát sinh hay là các nhiệm vụ đã được xác định từ trước nhưng chưa có đủ hồ sơ để phân bổ ngay từ đầu năm 2023…
Từ đó, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu và các bộ, ngành, địa phương để rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo./.