Sau nhiều tháng tranh cãi, Chính phủ Đức đã đạt được thỏa thuận trong đó có việc giảm thuế điện từ mức 2,05 xu euro/kWh hiện tại xuống mức tối thiểu của châu Âu là 0,05 xu/kWh để hỗ trợ sản xuất.
Theo Hãng thông tấn Đức (DPA), kế hoạch sẽ bao gồm việc giảm sâu thuế điện dùng cho sản xuất và nới rộng biên độ trợ giá điện cho các ngành đặc biệt bị ảnh hưởng bởi giá điện tăng cao.
350 doanh nghiệp lớn đang chịu sức ép cạnh tranh quốc tế và bị ảnh hưởng bởi giá điện cao sẽ được hỗ trợ thêm. Chính sách trợ giá điện hiện nay sẽ được nới rộng và kéo dài thêm 5 năm.
Mới đây, chính phủ cũng đã quyết định cung cấp khoản trợ cấp lên tới 5,5 tỷ euro (5,86 tỷ USD) để tài trợ một phần chi phí mạng lưới truyền tải. Điều này cũng sẽ giúp giảm chi phí điện. Tất cả các khoản hỗ trợ dự kiến sẽ lên đến hàng chục tỷ euro chỉ trong năm tới.
Động thái trên của chính phủ đã giúp cổ phiếu của ngành hóa chất tiêu tốn nhiều năng lượng tăng cao nhất trong ngày. Ngay sau thông tin trên, cổ phiếu của Công ty Hóa chất BASF đã tăng 2,9% lên 44,83 euro. Cổ phiếu của Wacker Chemie tăng 7% lên 126,05 euro và Lanxess tăng 3,4% lên 24,54 euro.
So sánh trên thị trường quốc tế, giá điện của Đức hiện khá cao, đối với cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là đối với các ngành sử dụng nhiều điện như công nghiệp hóa chất, ngành sản xuất nhôm và vật liệu xây dựng.
[Đức có kế hoạch dành hơn 4 tỷ USD hàng năm để trợ giá điện]
Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ngành công nghiệp Đức phải chi trả cho mỗi MWh cao gần gấp ba lần so với ở Mỹ hoặc Canada. Trong Liên minh châu Âu (EU), giá điện ở Đức nằm ở mức trung bình, thấp hơn ở Đan Mạch và Italy nhưng cao hơn nhiều so với Pháp.
Giá điện ở Đức cao một phần là vì trước đây nước này phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga. Đức chỉ có một ít trữ lượng dầu khí, trong khi thủy điện và điện Mặt Trời cũng thua kém nhiều nơi khác. Thêm vào đó là chi phí phát thải CO2, thuế và phí.
Chính phủ Đức lo ngại nhiều doanh nghiệp có thể rời khỏi nước này nếu chi phí điện quá cao. Ngày càng nhiều tập đoàn công nghiệp lớn đang đề cập đến việc dịch chuyển sản xuất sang các nước có chi phí điện rẻ hơn, dẫn đến nguy cơ mất đi nhiều việc làm tại Đức.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đã đề xuất hồi tháng Năm việc giảm chi phí điện thông qua trợ giá cho doanh nghiệp. Chính sách này sẽ tạm áp dụng đến năm 2030, cho đến khi năng lượng tái tạo phát triển hơn giúp giá điện hạ xuống. Chính phủ Đức sẽ phải chi khoảng 25-30 tỷ euro cho việc trợ giá này.
Tuy nhiên, chính sách này cũng bị chỉ trích mạnh mẽ vì chỉ có khoảng 2.500 doanh nghiệp đặc biệt thâm dụng điện sẽ được hưởng lợi còn tầng lớp trung lưu, các nhà sản xuất nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhỏ thì chẳng được lợi lộc gì. Đó là chưa kể đến nguy cơ nhà nước hỗ trợ cho các ngành sản xuất không bền vững.
Theo nhà kinh tế Monika Schnitzer, điều này đe doạ làm chậm lại quá trình chuyển đổi cơ cấu cần thiết. Nhiều nhà kinh tế khác cũng lo ngại tương tự, tỏ ra hoài nghi về khả năng giá điện giảm xuống kể cả khi năng lượng tái tạo phát triển mạnh./.