Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 11/10, Chính phủ Đức đã công bố dự báo cập nhật về tình hình phát triển kinh tế năm 2023 và các năm tiếp theo.
Theo báo cáo cập nhật do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck trình bày, Chính phủ Đức hiện không kỳ vọng kinh tế tăng trưởng trong năm nay như dự báo hồi mùa Xuân, nhưng tin tưởng sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong các năm tiếp theo.
Báo cáo nhận định trong một môi trường địa chính trị khó khăn, nền kinh tế Đức đang thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chậm hơn dự báo hồi mùa Xuân. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức được dự báo sẽ giảm 0,4% trong năm nay, thay vì tăng trưởng 0,4% như dự báo trước đó.
Các chỉ số kinh tế hiện tại như sản xuất công nghiệp, số lượng đơn đặt hàng, chỉ số môi trường kinh doanh đều cho thấy tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục yếu kém trong quý 3 năm nay.
Phó Thủ tướng Habeck cho biết nguyên nhân khiến nền kinh tế Đức yếu kém là do hậu quả của cuộc khủng hoảng giá năng lượng, yêu cầu chống lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và sự suy yếu của các đối tác kinh tế quan trọng của Đức. Ngoài ra, những xung đột địa chính trị trên toàn cầu cũng làm gia tăng bất ổn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Đức, chính phủ nước này kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024. Lộ trình phục hồi kinh tế bền vững hiện đã được xác định: lạm phát giảm đáng kể và thu nhập thực tế tăng trở lại là cơ sở cho sự phục hồi kinh tế trong nước.
[Người dân Đức đối mặt với nhiều khó khăn do lạm phát cao]
Trong nửa đầu năm 2023, tiền lương danh nghĩa đã tăng mạnh. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát sau khi tăng 6,1% trong năm nay, sẽ giảm xuống mức 2,6% trong năm 2024 và 2,0% trong năm 2025. Lạm phát giảm là một yếu tố tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế Đức.
Theo dự báo mới, kinh tế Đức sẽ lấy lại động lực tăng trưởng từ cuối năm nay và sẽ tăng tốc trong năm tới. Động lực tăng trưởng có thể chủ yếu đến từ tiêu dùng cá nhân: sức mua của các hộ gia đình đang được cải thiện, mức lương tăng đáng kể và tình hình việc làm ổn định, dẫn đến sự hồi sinh sức mua. Dự báo nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2024 và 2025, với mức tăng tương ứng là 1,3% và 1,5%.
Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng Habeck, nước Đức cũng cần phải vượt qua những thách thức lớn về cơ cấu. Các vấn đề như tình trạng quan liêu quá mức và thiếu hụt lao động đang gây ra hậu quả cho nền kinh tế.
Để có thể tăng cường hoạt động đầu tư cần phải loại bỏ những trở ngại, triệt để giải quyết tình trạng quan liêu và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp. Theo Phó Thủ tướng Habeck, Chính phủ Đức đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế, thúc đẩy đầu tư. Hiện Đức đã đạt được một số kết quả tốt trong quá trình này./.