Kinh tế Đức có thể giảm 0,4% do lạm phát cao, giá năng lượng tăng

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck sẽ công bố dự báo mùa Thu của chính phủ vào thứ Tư (11/10), cho thấy nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm 2024 và 1,5% vào năm 2025.
Kinh tế Đức có thể giảm 0,4% do lạm phát cao, giá năng lượng tăng ảnh 1Khách hàng chọn mua đồ tại một khu chợ ở Berlin, Đức. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Các nguồn tin chính phủ vừa công bố cho biết Chính phủ Đức dự kiến nền kinh tế nước này sẽ giảm 0,4% trong năm nay do lạm phát cao, giá năng lượng tăng và thương mại quốc tế ảm đạm.

Theo các nguồn tin, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck sẽ công bố dự báo mùa Thu của chính phủ vào thứ Tư (11/10), cho thấy nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm 2024 và 1,5% vào năm 2025.

Chính phủ Đức đã dự kiến mức tăng trưởng kinh tế 0,4% cho năm 2023 trong dự báo tháng 4/2023, nhưng sự yếu kém trong lĩnh vực công nghiệp và lãi suất cao nhất trong một thập kỷ đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ một cuộc suy thoái khác diễn ra trong năm nay ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Các nguồn tin cho biết thêm, lạm phát dự kiến sẽ ở mức 6,1% trong năm 2023 và 2,6% vào năm 2024.

[Dự báo nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2023]

Tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã dự báo nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng 0,2% dự kiến trước đó.

Các viện nghiên cứu kinh tế cũng dự đoán nền kinh tế Đức sẽ sụt giảm 0,6% trong năm nay, do sự phục hồi của ngành công nghiệp và tiêu dùng tư nhân chậm hơn dự kiến trước đây.

Nền kinh tế Đức rơi vào tình trạng suy thoái trong quý cuối cùng năm 2022 và quý 1/2023. Suy thoái kỹ thuật được định nghĩa là hai lần sụt giảm GDP liên tiếp.

Theo các viện nghiên cứu kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức dự kiến sẽ giảm 0,4% trong quý 3, sau khi trì trệ trong quý 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.