Chính phủ Đức thông qua kế hoạch triển khai binh sĩ tới Iraq

Chính phủ liên bang Đức đã thông qua quyết định triển khai quân đội tới Iraq, theo đó sẽ có tối đa 100 binh sĩ tới Iraq giúp đào tạo các chiến binh người Kurd.
Chính phủ Đức thông qua kế hoạch triển khai binh sĩ tới Iraq ảnh 1Binh lính Đức chiến đấu ở Afghanistan. (Ảnh: AFP)

Chính phủ liên bang Đức sáng 17/12 đã thông qua quyết định triển khai quân đội tới Iraq, theo đó sẽ có tối đa 100 binh sĩ tới Iraq giúp đào tạo các chiến binh người Kurd ở Arbil, miền Bắc Iraq, trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo kế hoạch, Quốc hội Đức sẽ thảo luận để thông qua sứ mệnh vào tháng 1/2015.

Với sứ mệnh mới, binh sĩ Đức sẽ giúp cố vấn và mở các khóa huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang Iraq. Ngoài ra, các binh sĩ cũng tham gia điều phối phân phát hàng cứu trợ nhân đạo và trang thiết bị quân sự ở miền Bắc Iraq. Một số binh sĩ Đức sẽ được triển khai tham gia vào lực lượng thuộc liên minh quốc tế chống IS ở Iraq và Kuwait.

Sứ mệnh trên đã vấp phải nhiều dư luận trái chiều, bởi đợt triển khai quân lần này không thuộc sứ mệnh của Liên hợp quốc hay Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đảng Cánh tả đối lập ở Đức coi sứ mệnh này là vi hiến, đồng thời cảnh báo có thể kiện lên Tòa án Hiến pháp liên bang.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đức Hans-Peter Bartels đã bác bỏ những quan ngại liên quan kế hoạch huấn luyện nêu trên ở Bắc Iraq, cho rằng sứ mệnh này là phù hợp với Điều 24 Hiến pháp Đức trong việc góp phần gìn giữ hòa bình thế giới và có thể nhanh chóng được thông qua để có thể triển khai ngay cuối tháng 1/2015.

Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen cũng cho rằng sứ mệnh mới nằm trong điều khoản của hệ thống an ninh tập thể và phù hợp với Hiến pháp Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.