Chính phủ Đức tuyên bố đóng góp 500 triệu euro cho WHO

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết trong tổng 500 triệu euro mà Đức cam kết đóng góp cho WTO, có 200 triệu euro được sử dụng để bù đắp cho thiếu hụt hỗ trợ từ nước khác.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn (trái) và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 25/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn (trái) và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 25/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức ngày 25/6, Đức đang tăng tài trợ đáng kể đóng góp cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trong một phát biểu tại Geneve, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết nước này sẽ đóng góp tổng cộng 500 triệu euro cho WHO, đây là số tiền hàng năm cao nhất mà Đức đóng góp cho Tổ chức Y tế thế giới.

Theo Bộ trưởng Spahn, trong tổng số tiền mà Đức cam kết đóng góp, có 200 triệu euro được sử dụng để bù đắp cho thiếu hụt hỗ trợ từ nước khác.

[Đức chỉ trích quyết định của Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới]

Bộ trưởng Y tế Đức ám chỉ về mối đe dọa của Mỹ rút khỏi WHO. Cho đến nay, Mỹ là quốc gia đóng góp lớn nhất cho tổ chức này.

Trong một cuộc họp báo chung với người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran, Bộ trưởng Đức tuyên bố, ngoài các khoản thanh toán, Chính phủ Đức sẽ cung cấp mặt nạ và thiết bị y tế trị giá hàng trăm triệu euro cho các nước cần đến.

Theo ông, các nước phải "đứng cùng nhau" để giải quyết vấn đề sức khỏe toàn cầu. Đức vẫn là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và là người bạn quan trọng của WHO.

Bộ trưởng Y tế Đức cũng nhấn mạnh WHO cần phải được cải tổ. Đại dịch COVID-19 cho thấy thế giới cần một WHO mạnh mẽ, hiệu quả và minh bạch.

Các Bộ trưởng Y tế Đức, Pháp đã thảo luận với ông Tedros về những thay đổi có thể đối với các quy tắc của WHO. Sự hỗ trợ của EU đối với WHO cũng đã được thảo luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.