Đức sẽ triển khai các bước đi mới hướng tới việc khôi phục mọi hoạt động thường nhật trong tháng Năm này, theo đó cho phép các cửa hàng và trường học mở cửa trở lại sau nhiều tuần đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Hãng tin AFP (Pháp) ngày 6/5 đưa tin Chính phủ liên bang Đức và thủ hiến các bang đã đạt được một dự thảo thỏa thuận về kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Theo bản dự thảo, sau các bước đi ban đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế được thực hiện từ ngày 20/4 vừa qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Đức vẫn duy trì ở mức thấp và "không có làn sóng lây nhiễm mới" được phát hiện.
Cho tới nay, chỉ một số đối tượng trẻ em nhất định như những học sinh phải tham dự các kỳ thi quan trọng được phép tới lớp, trong khi các nhà trẻ và trường tiểu học sẽ mở cửa trở lại từ tuần tới.
Dự thảo nhấn mạnh các trường học cần từng bước đón học sinh trở lại song song với việc đảm bảo tuân thủ các biện pháp vệ sinh phù hợp cũng như duy trì quy tắc giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các khu vực sẽ tự quyết định về lộ trình mở cửa trở lại các trường đại học.
Liên quan tới các cửa hàng, giới chức Đức cho rằng tất cả các cửa hiệu có thể mở cửa trở lại song phải tuân thủ các yêu cầu vệ sinh, quản lý lượng khách mua sắm cũng như tránh tình trạng để khách hàng xếp hàng dài. Cho tới nay, chỉ những cửa hàng có diện tích sàn 800m2 được phép bán hàng trở lại.
Các bang cũng sẽ có quyền quyết định về việc mở cửa trở lại các nhà hàng từ ngày 9/5, cũng như các quyết sách liên quan tới các nhà hát, phòng hòa nhạc, hộp đêm và phòng tập gym.
Trong khi đó, một quy định hạn chế quan trọng đó là lệnh cấm tụ tập đông người như tổ chức các trận đấu thể thao, các sự kiện văn hóa hay lễ hội vẫn sẽ được duy trì và có thể kéo dài trong vài tháng. Theo đó, những sự kiện tập trung đông người vẫn bị cấm cho tới "ít nhất ngày 31/8."
Tuy nhiên, Đức có kế hoạch cho phép tổ chức giải bóng đá Bundesliga trong tháng này song phải đảm bảo không có khán giả trong sân vận động. Thủ tướng Angela Merkel và các thủ hiến bang sẽ ấn định ngày khai mạc giải bóng đá này qua cuộc họp trực tuyến trong ngày 6/5.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ các biện pháp phong tỏa sẽ được tái áp đặt nếu ca mắc COVID-19 tăng trở lại. Cụ thể, nếu phát hiện hơn 50 ca mắc mới/100.000 dân cư trong vòng 7 ngày, thành phố hay khu vực bị ảnh hưởng phải áp đặt "kế hoạch phong tỏa tương ứng."
[Đức kéo dài lệnh kiểm soát biên giới tới giữa tháng Năm]
Trong trường hợp số ca mắc mới mang tính cục bộ, như được phát hiện trong một nhà dưỡng lão hay bệnh viện, các biện pháp trên có thể được áp đặt chỉ riêng khu vực cụ thể bị ảnh hưởng, thay vì toàn khu vực. Chính phủ cũng kêu gọi toàn thể người dân tiếp tục duy trì khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang khi đi mua sắm cũng như di chuyển trên các phương tiện công cộng.
Ở thời điểm hiện tại, Đức đã thành công hơn nhiều quốc gia châu Âu khác trong việc khống chế dịch COVID-19 với tỷ lệ lây nhiễm trung bình ở mức 0,74, tức 100 người nhiễm virus có thể lây cho 74 người, dưới mức 1:1 vào thời kỳ đỉnh điểm buộc chính phủ nước này phải thực thi các biện pháp hạn chế mới.
Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel vẫn lo ngại tâm lý tự mãn và sự chạy đua giữa chính quyền các bang trong việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ đảo ngược những thành công mà chính phủ liên bang đã đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19.
Một nghiên cứu do Đại học Bonn thực hiện về tình hình dịch bệnh tại thành phố Heinsberg - ổ dịch COVID-19 lớn nhất ở Đức, ước tính số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Đức có thể lên tới 1,8 triệu người, tức gấp 10 lần con số thống kê chính thức. Điều này cho thấy rõ mối đe dọa dịch bệnh vẫn rình rập nước Đức và tiềm ẩn nguy cơ lây lan rộng nếu không được giám sát.
Dịch COVID-19 đã để lại những tác động không nhỏ đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Trong tháng Ba vừa qua, các nhà sản xuất Đức đã ghi nhận lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh.
Theo số liệu do Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 6/5, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp đã giảm 15,6% so với tháng trước đó khi nền kinh tế bắt đầu "ngấm đòn" từ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Destatis gọi đây là "mức giảm lớn nhất" kể từ khi thu thập số liệu vào năm 1991. Mức giảm này vượt xa mức dự đoán 10% của các nhà phân tích do hãng Bloomberg News khảo sát, cũng như mức giảm 7,5% được ghi nhận hồi tháng 1/2009, tháng "tồi tệ nhất" trong năm yếu kém nhất của cuộc khủng hoảng tài chính.
Nhà kinh tế Carsten Brzeski nhận định sự sụt giảm số đơn đặt hàng trong tháng Ba không chỉ do các biện pháp phong tỏa tại Đức mà còn do các biện pháp phong tỏa được áp đặt tại nhiều nơi khác cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Cũng theo Destatis, số lượng đơn hàng của các nước trong và ngoài khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đều giảm khoảng 15%, trong khi nhu cầu từ các thành viên khác tại thị trường này giảm tới 17,9%./.