Sau khi một loạt quốc gia Vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, ngày 5/6, Chính phủ được quốc tế công nhận của Libya đã đưa ra quyết định tương tự.
Trước đó, Chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar với cáo buộc nước này bắt tay với những kẻ thù thuộc phong trào Houthi có quan hệ với Iran.
[Phản ứng của Qatar trước việc các quốc gia Arab cắt đứt quan hệ]
Các quyết định trên được đưa ra sau khi bốn quốc gia trong khu vực gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo đình chỉ quan hệ ngoại giao với Qatar cùng cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố.
Chính quyền Doha đã lên tiếng bày tỏ "lấy làm tiếc" và coi các quyết định này là "vô lý", dựa trên những cáo buộc "vô căn cứ."
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, đã có thêm hai hãng hàng không quốc gia của UAE là Emirates và FlyDubai quyết định tạm ngừng các chuyến bay tới Doha.
Theo thông báo, Emirates sẽ tạm ngừng các chuyến bay đến và đi từ Doha kể từ sáng 6/6. Cũng theo Emirates, các hành khách đã đặt vé các chuyến bay đến và đi từ Doha sẽ được hoàn 100% tiền hoặc không mất phí đặt lại vé tới các địa điểm gần Doha. Trong khi đó, hãng hàng không FlyDubai cũng thông báo sẽ ngừng khai thác chặng bay tới Doha.
Trước đó, hãng Etihad Airways của UAE cũng đưa ra quyết định tương tự.
Cùng ngày, hãng hàng không Qatar Airways của Qatar thông báo tạm ngừng tất cả các chuyến bay tới Saudi Arabia cho tới 11 giờ 59 giờ GMT (tức 19 giờ tối 5/6 theo giờ Hà Nội). Theo người phát ngôn của Qatar Airways, hiện vẫn chưa rõ liệu lệnh cấm này có được kéo dài hay không
Một số nguồn tin khu vực cho biết cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng tại các nước Vùng Vịnh (GCC), nhất là sau tuyên bố của Toàn quyền Qatar Tamim Bin Hamad Al Thani đã chỉ trích các tuyên bố chống lại Iran của các quốc gia GCC.
Đặc biệt, căng thẳng leo thang sau khi các nhà lãnh đạo GCC gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước Hồi giáo ở thủ đô Riyadh mới đây để chứng tỏ sự đoàn kết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và sự can thiệp của Iran đối khu vực nhạy cảm này.
Trước đó, Saudi Arabia và UAE đã bày tỏ phản đối sau khi Qatar chỉ trích các phát ngôn của GCC chống lại Iran và tuyên bố chống lại các phát biểu của Tổng thống Trump trong chuyến thăm chính thức Trung Đông và Vùng Vịnh mới đây. Sau khi xảy ra tranh cãi gay gắt trên, Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã quyết định chặn các trang web của hãng truyền hình Qatar Al Jazeera.
Quan hệ giữa Qatar với các nước Vùng Vịnh khác đã bị gián đoạn từ cuối năm 2016 do các nước GCC cáo buộc Qatar ủng hộ Phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập. Tuy nhiên, chính quyền Doha đã phủ nhận tài trợ cho các nhóm cực đoan, nhưng tuyên bố ủng hộ tài chính cho nhóm Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza và cho phép một số quan chức cao cấp Hamas sống lưu vong tại nước này từ năm 2012./.