Theo hãng tin Antara, Chính phủ Indonesia vừa công bố gói chính sách kinh tế thứ tư. Đây là một phần của 5 gói kích thích kinh tế trong chiến dịch vực dậy nền kinh tế đang trong xu hướng giảm tốc. Ba gói kinh tế khác cũng đã được lần lượt đưa ra vào ba tháng trước đó.
Gói chính sách kinh tế thứ tư tập trung vào các nỗ lực nhằm tăng cường việc làm, sửa đổi các quy định về mức lương tối thiểu và giấy phép nhân lực; tăng cường các khoản vay vi mô và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển xuất khẩu.
Các doanh nghiệp nhỏ sẽ được hưởng lợi từ chính sách hạ lãi suất đối với các khoản tín dụng nhỏ từ 22% xuống còn 12%.
Thư ký nội các Indonesia, ông Pramono Anung cho biết: "Chúng tôi hy vọng gói chính sách kinh tế này có thể tạo điều kiện thúc đẩy kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội việc làm và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.”
Theo Phó Tổng thống Jusuf Kalla, tất cả các gói chính sách kinh tế của Chính phủ Indonesia đều nhằm cải thiện điều kiện kinh tế nước này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Darmin Nasution thừa nhận rằng gói kinh tế đầu tiên đã quá tham vọng khi làm thay đổi quá nhiều quy định. Gói chính sách thứ hai và thứ ba có tác động ngắn hạn đã mang lại hiệu quả thực tế hơn trong việc đáp ứng các vấn đề đang đặt ra của nền kinh tế, duy trì các nguyên tắc cơ bản của kinh tế đất nước trong khi phải đối mặt với những thách thức toàn cầu.
Trong một thông tin có liên quan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đã có chuyến thăm và làm việc tại Tehran ngày 14/10 nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Hai nước mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế, bao gồm cả năng lượng và thương mại. Iran là một trong những thị trường phi truyền thống tiềm năng cho các sản phẩm xuất khẩu chính của Indonesia, bao gồm dầu cọ, giấy và cao su./.