Chính phủ Iraq đã mời đại diện Iran và các nước Vùng Vịnh đối địch với nước Cộng hòa Hồi giáo tham dự một hội nghị tại thủ đô Baghdad trong tuần này, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng vốn đẩy các bên gần đến xung đột trong những năm trở lại đây.
Giới chức Iraq dự kiến hội nghị được tổ chức vào ngày 28/8 tới và hy vọng sự kiện này sẽ có sự tham gia của tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và bộ trưởng một số nước Vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ai Cập, Jordan cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp cũng được mời dự hội nghị.
Tuy nhiên đến nay, Kuwait là quốc gia Vùng Vịnh duy nhất xác nhận sẽ tham dự sự kiện này và cử đại diện là Thủ tướng Sabah Al-Khalid Al-Sabah. Hội nghị dự kiến cũng sẽ thảo luận về cuộc chiến tại Yemen, sự sụp đổ của chính quyền Liban và cuộc khủng hoảng nước trong khu vực.
Ngày 25/8, một quan chức thân cận với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi cho biết: “Ngay cả khi chúng tôi mời được các bộ trưởng ngoại giao đến dự cuộc họp, đây có thể được xem là bước đột phá nhằm tiến tới chấm dứt căng thẳng giữa Iran và các quốc gia Arab Vùng Vịnh."
Theo giới chức Iraq, hội nghị sắp tới có khả năng giúp Saudi Arabia và Iran hướng tới thiết lập lại quan hệ mặc dù hai nước chưa thông báo sẽ cử đại diện nào đến tham dự.
[Iran hoan nghênh cuộc đối thoại với quan chức Saudi Arabia]
Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran bùng phát năm 2016 khi Saudi Arabia xử tử Giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr, người có quan hệ mật thiết với Iran. Saudi Arabia cũng tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi Đại sứ quán nước này ở Tehran bị người biểu tình tấn công để phản đối vụ việc trên.
Mâu thuẫn càng đẩy lên cao vào năm 2018 khi Mỹ - đồng minh truyền thống của Saudi Arabia, đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng sau vụ tấn công vào nhà máy lọc dầu lớn nhất Saudi Arabia khiến sản lượng dầu của nước này giảm 50% trong một thời gian ngắn. Chính quyền Riyadh cáo buộc Tehran đứng sau vụ tấn công, trong khi nước này luôn phủ nhận.
Tháng Tư năm nay, tại thủ đô Baghdad, các quan chức Saudi Arabia và Iran đã có cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên nhằm hàn gắn quan hệ sau năm năm cắt đứt quan hệ ngoại giao. Dù chưa đạt kết quả đột phá, song đây là tín hiệu tích cực trong việc tìm kiếm những khả năng xoa dịu căng thẳng tại một trong những “điểm nóng” nhất của khu vực Trung Đông./.