Cuộc khủng hoảng nước tại Italy hiện chưa có hồi kết khi tình trạng thất thoát nước sạch do các đường ống dẫn bị rò rỉ vẫn ở mức nghiêm trọng, khiến quốc gia này dễ bị tổn thương với hạn hán hơn bao giờ hết.
Đó là kết luận vừa được Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) đưa ra trong báo cáo nhân Ngày Nước thế giới (22/3).
Giới khoa học và các nhóm hoạt động vì môi trường đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu nước ở Italy hồi tháng 1 vừa qua, sau khi lượng tuyết rơi ghi nhận trên dãy núi Alps sụt giảm đáng kể và thủy triều xuống thấp bất thường, khiến những con kênh ở thành phố Venice trở nên khô cạn.
Theo ISTAT, năm 2020 - dữ liệu gần đây nhất mà cơ quan này thống kê - lượng nước trung chuyển qua các đường ống dẫn tại nước này đã bị "bốc hơi" tới 42,2% - mức cao nhất trong lịch sử.
Nhà nghiên cứu Simona Ramberti của ISTAT cho biết: "Có tới 1/4 số thị trấn có tỷ lệ thất thoát nước trên 55% và hơn 71% số các khu vực tại Italy gặp tình trạng rò rỉ đường ống."
Trong năm 2022, 15 thị trấn và thành phố lớn tại Italy đã buộc phải áp dụng quy chế phân phối nước luân phiên. Con số này trong năm 2020 là 11 thị trấn và thành phố lớn.
[LHQ cảnh báo nguy cơ khủng hoảng do thiếu nước trầm trọng]
Theo bà Ramberti, việc luân phiên này trước đó chỉ triển khai ở miền Nam Italy, nhưng từ năm 2021 đã buộc phải mở rộng áp dụng cho cả khu vực miền Bắc và đây là dấu hiệu cho thấy sẽ còn nhiều khó khăn trong những năm tới.
Phát biểu trước Quốc hội ngày 21/3, Thủ tướng Giorgia Meloni cho biết đang phối hợp cùng chính quyền khu vực và thành phố soạn thảo kế hoạch quốc gia về nước, trong đó đề cập tới cải thiện cơ sở hạ tầng với các công nghệ mới và nâng cao nhận thức cộng đồng về sự cần thiết phải tiết kiệm nước.
Thủ tướng Giorgia Meloni cũng thông báo sẽ chỉ định một "ủy viên đặc biệt" để giám sát kế hoạch này và thúc đẩy cải thiện cơ sở hạ tầng.
Hồi tuần trước, Chính phủ Italy cũng tuyên bố sẵn sàng giải ngân 7,8 tỷ euro (8,39 tỷ USD) để giải quyết khủng hoảng nước.
Theo ISTAT, Italy tận dụng nước từ sông, hồ và các hồ chứa làm nguồn nước sạch nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác tại Liên minh châu Âu (EU).
Khoảng 30% trong số này đến từ sông Po - trải dài hơn 650km từ Tây sang Đông qua miền Bắc Italy, nuôi dưỡng Thung lũng Po màu mỡ.
Tuy nhiên, vào tháng 2 năm ngoái, mực nước sông Po giảm tới hơn 61% so với mức trung bình cùng kỳ năm trước đó, sau khi khu vực này trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm./.