Chính phủ Italy thông qua dự luật cải cách Hiến pháp

Ngày 31/3, Chính phủ Italy đã thông dự luật cải cách Hiến pháp với tập trung là giảm quyền của Thượng viện và chính quyền cấp tỉnh.
Chính phủ Italy thông qua dự luật cải cách Hiến pháp ảnh 1Một phiên họp toàn thể của Thượng viện Italy. (Nguồn: delhrv.ec.europa.eu)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, hôm 31/3, chính phủ nước này đã nhất trí thông qua dự luật cải cách Hiến pháp, trong đó chủ yếu hướng đến việc thay đổi quy mô của Thượng viện, nhằm giảm quyền lực của viện này cũng như chính quyền cấp tỉnh và giảm bớt số thượng nghị sỹ chỉ còn một nửa.

Theo dự luật này, số lượng thượng nghị sỹ sẽ giảm từ 315 xuống còn 148 người, với 21 thượng nghị sỹ do Tổng thống Italy chỉ định và 127 người khác đến các chính quyền cấp vùng và các nghiệp đoàn.

Với dự luật này, Thượng viện sẽ được đổi tên thành Thượng viện của các khu vực tự trị, bị tước đi vai trò và quyền lập pháp để chỉ còn là một cơ quan đại diện cho các vùng của nước này.

Dự luật cũng thay đổi điều 5 của Hiến pháp Italy nhằm giải tán chính quyền cấp tỉnh, giảm số lượng tỉnh ở Italy nhằm giúp tiết kiệm 1 tỷ euro mỗi năm tiền ngân sách nhà nước và giảm quyền của chính quyền vùng, mà nhiều trong số đó đã chi tiêu quá mức trong nhiều năm qua, trở thành gánh nặng cho ngân sách.

Theo hãng tin ANSA, dự luật này có thể phải mất ít nhất một năm để thành luật, sau khi đi qua nhiều khâu xem xét.

Dự luật cải cách Hiến pháp được cho là một cải cách quan trọng của chính phủ mới, được thành lập hôm 22/2 vừa qua.

Dự luật cải cách Hiến pháp cùng với dự luật cải cách bầu cử, hiện đã được Hạ viện thông qua và đã đệ trình Thượng viện xem xét tuần trước, được đánh giá là những khâu then chốt trong việc giúp Italy tránh khỏi những kết cục bất phân thắng bại trong tổng tuyển cử như đã xảy ra vào tháng 2/2013, giúp Italy dễ điều hành và các luật được thông qua nhanh hơn, đồng thời cắt giảm chi phí quá lớn dành cho nền chính trị nước này.

Hôm 31/3, Thủ tướng Italy Matteo Renzi nhấn mạnh rằng, dự luật này, nếu trở thành luật, sẽ trở thành một "bước ngoặt lớn lao cho thể chế chính trị và các viện Quốc hội Italy."

Trước đó, trong một tuyên bố nhằm chống lại những quan điểm phản đối cải cách Hiến pháp, ông Renzi nói rằng, ông sẽ "từ bỏ chính trị" nếu như không thành công trong việc thúc đẩy cải cách Thượng viện trong những nỗ lực nhằm giúp chính phủ điều hành đất nước dễ dàng hơn và tiết kiệm hơn.

Ông Renzi cũng tuyên bố là sẽ không có thêm những trì hoãn nữa trong những cải cách này.

Theo dự kiến, vào cuối tháng này, việc cắt giảm thuế đối với người thu nhập dưới 1.500 euro/tháng sẽ được tiến hành. Sau đó, chính phủ sẽ bắt tay vào các gói cải cách hành chính công, thuế và kỹ thuật phát minh cũng như việc giải tán một số cơ quan tư vấn được lập ra theo Hiến pháp, như Ủy ban quốc gia về kinh tế và lao động (CNEL).

Về cải cách Thượng viện, Chủ tịch Thượng viện Italy Pietro Grasso nói rằng ông có quyền phản đối những cải cách Hiến pháp mà chính phủ thông qua.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Grasso, từng đứng đầu Cơ quan chống mafia quốc gia Italy, bác bỏ những cáo buộc rằng ông đang tìm cách bảo vệ quyền lợi của Thượng viện, tuyên bố là ông đã chấp nhận giảm lương và không nhận một căn hộ mà nhà nước cấp theo tiêu chuẩn.

Trước đó, Grasso, cũng là một thành viên của đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền như Thủ tướng Renzi, cho rằng nền dân chủ Italy sẽ suy yếu nếu như Thượng viện không còn là một cơ quan dân bầu như trước.

Một nhóm 20 nghị sỹ thuộc đảng Pd đã ký một thỉnh nguyện thư ủng hộ Chủ tịch Thượng viện Grasso. Động thái này làm dấy lên những đồn đoán, rằng đang có một cuộc nổi loạn trong đảng cầm quyền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.