Ngày 10/9, Trung tâm Nghiên cứu Lưỡng đảng (BPC), một viện nghiên cứu có trụ sở ở thủ đô Washington D.C (Mỹ) đã cảnh báo chính phủ liên bang nhiều khả năng chạm mức nợ trần và vỡ nợ sớm nhất vào giữa tháng 10 tới.
Trong một tuyên bố, đề cập đến ngày mà chính phủ liên bang sẽ không còn có thể thanh toán đầy đủ và đúng hạn các hóa đơn của mình, Giám đốc chính sách kinh tế thuộc BPC, ông Shai Akabas phân tích: "Với tốc độ chi tiêu và thu ngân sách liên bang hiện tại, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Ngày X sẽ không đến trước khi bắt đầu năm tài chính (1/10)."
Ông Akabas dự đoán rằng giới hạn nợ "Ngày X" sẽ nhiều khả năng sẽ đến vào khoảng giữa tháng 10 đến giữa tháng 11.
Ông Akabas nói: “Lợi tức đang tăng lên đối với một số chứng khoán Kho bạc ngắn hạn, cho thấy rằng thị trường tài chính đã lo ngại và các cuộc đàm phán quốc hội kéo dài đang khiến người nộp thuế liên bang phải trả thêm tiền.”
Ông lưu ý rằng chỉ có hành động lập pháp kịp thời mới có thể giải quyết những rủi ro kinh tế nghiêm trọng liên quan đến việc Mỹ không thực hiện tốt các cam kết.
[Mỹ sẽ cạn kiệt ngân sách nếu Quốc hội không nâng trần nợ công]
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 8/9 nói rằng "các biện pháp bất thường" của Bộ Tài chính nhằm cấp kinh phí tạm thời cho Chính phủ có thể sẽ cạn kiệt vào tháng 10.
Là một phần của thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng được ban hành vào tháng 8/2019, Quốc hội đã đình chỉ giới hạn nợ đến ngày 31/7/2021.
Sau khi giới hạn nợ được khôi phục vào ngày 1/8, Bộ Tài chính Mỹ bắt đầu sử dụng "các biện pháp bất thường" để tiếp tục cấp kinh phí cho chính phủ một cách tạm thời.
Giới hạn nợ, thường được gọi là mức nợ trần, là tổng số tiền mà chính phủ Mỹ được phép vay để đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý hiện có của mình, bao gồm các quyền lợi an sinh xã hội và y tế, lãi suất đối với nợ quốc gia và các khoản thanh toán khác./.