Chính phủ Nhật Bản thông qua Đại cương Kế hoạch phòng vệ

Chính phủ Nhật Bản và Hội đồng An ninh quốc gia đã thông qua Đại cương Kế hoạch phòng vệ - bản cương lĩnh định hướng chính sách quốc phòng của Nhật Bản trong vòng 10 năm tới.
Chính phủ Nhật Bản thông qua Đại cương Kế hoạch phòng vệ ảnh 1Trực thăng của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và tàu khu trục Shirane. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/12, Chính phủ Nhật Bản và Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) đã thông qua Đại cương Kế hoạch phòng vệ - bản cương lĩnh định hướng chính sách quốc phòng của Nhật Bản trong vòng 10 năm tới và Kế hoạch Phòng vệ trung hạn giai đoạn 2019-2023.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong văn bản, Nhật Bản xác định môi trường an ninh khu vực và xung quanh nước này đang thay đổi nhanh chóng, với những xu hướng diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó nổi lên các hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, biển Nhật Bản, Biển Đông, cũng như gia tăng tần suất tiến ra Thái Bình Dương, gây ra những quan ngại lớn về an ninh đối với khu vực, thế giới và Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cũng đánh giá Triều Tiên đang nỗ lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa đạn đạo và chưa có thay đổi thực chất trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Đại cương Kế hoạch phòng vệ cũng cho biết Nhật Bản quyết định sẽ biên chế số lượng lớn các máy bay chiến đấu thế hệ mới F35 nhằm bảo vệ các đảo xa bờ ngoài khơi Thái Bình Dương, đồng thời cải tiến tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo để có thể sử dụng máy bay chiến đấu F-35B và máy bay STOVL (loại máy bay có thể cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng).

[Nhật Bản lần đầu điều xe thiết giáp ra nước ngoài kể từ thế chiến 2]

Chính phủ Nhật Bản khẳng định nước này không có ý định sở hữu tàu sân bay tấn công và không vượt quá các qui định trong Hiến pháp Hòa bình, khi có nhiều ý kiến chỉ trích Tokyo đang tiến hành các bước để hiện thực hóa kế hoạch triển khai tàu sân bay.

Bên cạnh các hình thái tác chiến truyền thống, Nhật Bản cũng lần đầu tiên xác định tác chiến trên mạng máy tính, không gian vũ trụ và sóng điện từ là những hình thái mới cần tập trung phát triển để xây dựng sức mạnh phòng vệ tổng hợp nhằm đối phó hiệu quả với sự thay đổi của môi trường an ninh quốc tế.

Cụ thể, Nhật Bản sẽ nâng cấp đơn vị tác chiến mạng thành lập một đơn vị mới có nhiệm vụ giám sát không gian vũ trụ để ngăn chặn các mảnh rác vũ trụ gây nguy hiểm cho hệ thống vệ tinh nhân tạo hoặc ngăn chặn hệ thống chỉ huy tác chiến sử dụng hệ thống định vị vệ tinh của đối phương.

Nhật Bản sẽ nghiên cứu áp dụng kỹ thuật cao, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, củng cố ngành công nghiệp quốc phòng và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Nhật Bản dự kiến chi 243 tỷ USD dành cho ngân sách quốc phòng cho 5 năm tới, con số kỷ lục từ trước tới nay.

Đại cương Phòng vệ là bản cương lĩnh quốc phòng cao nhất của Nhật Bản trong thời gian 10 năm. Tuy nhiên, những năm gần đây văn bản này nhiều lần được sửa đổi để đưa ra những điều chỉnh phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu và khu vực liên tục biến động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.